Đổi mới trong quy chế tuyển sinh mang lại kết quả như kỳ vọng

GD&TĐ - Nhiều trường đại học cho biết, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học gần như đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh.

Thí sinh nhập học trực tiếp tại Trường ĐH Thủy Lợi.
Thí sinh nhập học trực tiếp tại Trường ĐH Thủy Lợi.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh - cho hay, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học của trường gần 98%. Năm trước là 101%.

Tại Trường ĐH Thương mại, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đạt 98%. Trường ĐH Ngoại thương có tỷ lệ xác nhận nhập học đạt gần 100% chỉ tiêu.

TS Trần Khắc Thạc - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi thông tin, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào trường đã xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT đạt khoảng 93%, cao hơn so với những năm trước. Những năm trước, tỷ lệ này của trường thường dao động khoảng 85-91%.

Theo kế hoạch, từ ngày 18 - 30/9, Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT mở cổng xác nhận nhập học trực tuyến dành cho các thí sinh trúng tuyển đợt 1. Tính đến 17h ngày 30/9, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến, đạt tỉ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển.

Trong hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là trên 567.000. Trong đó, hơn 3.500 trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỉ lệ 91,4% số với số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Các năm trước, hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh ảo rất lớn, do thí sinh còn chọn các phương thức khác, mà hệ thống không kiểm soát được. Tỉ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh: Đến thời điểm này có thể khẳng định, tuyển sinh năm nay đã thành công. Những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch.

Từ kết quả của năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm. Trên cơ sở đó, sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Công tác tuyển sinh năm 2022 bước đầu được đánh giá là sự đột phá về chuyển đổi số, tiên phong thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.