Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong lĩnh vực dạy nghề vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Tăng việc làm và tiền lương
Năm 2016, trong lĩnh vực lao động - việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động. Tập trung thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển thị trường xuất khẩu lao động. Kết quả, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1.641 nghìn người, đạt 102,5% kế hoạch; trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1.515 nghìn người, đạt 101% kế hoạch, xuất khẩu lao động trên 126 nghìn người, đạt 126% kế hoạch; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị là 3,18%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động.
Theo kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương năm 2016 tại 200 doanh nghiệp: Thu nhập bình quân/tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đạt 6,03 triệu đồng, tăng 5,4% so với năm 2015 (trong đó doanh nghiệp Nhà nước đạt 7,75 triệu đồng, tăng 2,78% so với năm 2015; doanh nghiệp FDI đạt 5,7 triệu đồng, tăng 6,74% so với năm 2015; doanh nghiệp dân doanh đạt 6,04 triệu đồng tăng 7,86% so với năm 2015...) góp phần cải thiện thu nhập, đời sống của người lao động…
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, ngành LĐ-TBXH đã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn... phát triển hình thức hợp đồng đào tạo nghề với các doanh nghiệp, tổ chức đào tạo theo địa chỉ, yêu cầu của doanh nghiệp, tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực...
Đổi mới toàn diện
Kết quả, tuyển sinh dạy nghề năm 2016 được trên 1,97 triệu người, đạt 91,8% kế hoạch năm và bằng 99,7% so với thực hiện năm 2015. Đáng chú ý, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề chỉ đạt trên 259,6 nghìn người, còn lại trên 1.174 nghìn người là sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 53%, trong đó, có bằng cấp/chứng chỉ đạt 21%.
Theo đánh giá, sở dĩ tuyển sinh học nghề chưa đạt được chỉ tiêu đề ra là do công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề, phân luồng học sinh còn nhiều hạn chế; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề còn ở mức thấp...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH phải nắm được thực trạng thị trường lao động, nhu cầu việc làm, xu hướng nghề nghiệp, số việc làm mới tạo ra... để từ đó xây dựng các giải pháp hiệu quả. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý về công tác đào tạo nghề. Sau nhiều năm tranh luận, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức được giao quản lý Nhà nước về dạy nghề. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH phải tạo được sự đổi mới mạnh mẽ đối với công tác dạy nghề.
Phó Thủ tướng lưu ý trong số 54 triệu lao động, chỉ có 21% có bằng cấp trở lên, còn lại chủ yếu đào tạo nghề, lao động chân tay. Trong số 21% đó, ĐH 9%, CĐ 3%, còn lại trung cấp, sơ cấp, nhưng tỷ lệ thất nghiệp CĐ cao nhất 6,8%, ĐH thứ nhì 6,3%, trung cấp lại thấp nhất 3%. Đây là nghịch lý và cũng là thách thức rất lớn với ngành LĐ-TB&XH. Trách nhiệm này thuộc về Bộ LĐ-TB&XH, đòi hỏi phải đổi mới có tính cách mạng toàn diện, mới xoay chuyển được tình hình.