Thách thức đi cùng cơ hội khi 'số hóa' giáo dục ở vùng khó

GD&TĐ - Đặt ra nhiều thách thức, song chuyển đổi số cũng được xem là cơ hội để “hiện đại hóa” giáo dục, đào tạo ở vùng khó.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, TP. Điện Biên Phủ.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, TP. Điện Biên Phủ.

Phát huy lợi thế công nghệ

Đã nhiều năm nay, chiếc laptop trở thành người bạn quen thuộc của cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Trường Tiểu học số 2 Mường Mươn, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên). Từ việc soạn giáo án; tìm, chuẩn bị học liệu… cho tới tổ chức, triển khai bài giảng, cô Hồng đều thực hiện trên máy tính xách tay.

Cô Hồng tâm sự, các năm học trước, do giảng dạy trên điểm bản khó khăn về điện, nên cô không khai thác được tối đa lợi thế về công nghệ. Tuy nhiên, máy tính xách tay vẫn được sử dụng để phục vụ soạn giáo án và tìm kiếm tài liệu cho bài giảng. Đặc biệt là từ khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, cô Hồng được giao phụ trách khối lớp 1.

“Từ khi triển khai chương trình mới, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Mặc dù gặp một số khó khăn do chưa đồng bộ về hạ tầng. Song từ khi áp dụng công nghệ, tôi thấy hiệu quả hơn rõ rệt. Bài giảng phong phú hơn nên mỗi giờ học đều trở nên thú vị với học sinh”, cô Hồng chia sẻ.

Cũng như cô Hồng, nhiều năm nay cô giáo Tòng Thị Dương, Trường PTDTBT Tiểu học Bản Bua, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt là trong soạn giáo án.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng ứng dụng công nghệ thông tin trong chuẩn bị bài giảng điện tử.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng ứng dụng công nghệ thông tin trong chuẩn bị bài giảng điện tử.

“Lúc mới triển khai tôi có chút bối rối, nhưng sau khi tham gia các khóa tập huấn và được đồng nghiệp chia sẻ, giúp đỡ thì tôi đã thành thạo hơn khi ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Bài giảng điện tử sinh động hơn cả về hình ảnh, âm thanh, dễ học, dễ nhớ. Vì vậy, luôn tạo hứng thú học tập cho học sinh. Từ đó, hiệu quả bài học luôn cao hơn so với trước đây”, cô Dương cho hay.

Trường PTDTBT Tiểu học Bản Bua hiện có 21 lớp, với hơn 500 học sinh và 30 cán bộ, giáo viên. Theo thầy giáo Ngô Trọng Định, Hiệu trưởng nhà trường thì những năm gần đây, đơn vị đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Đến nay, 100% giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, soạn giáo án, tham khảo thông tin, kiến thức chuyên ngành; 7 giáo viên duy trì dạy online thường xuyên.

“Chúng tôi tạo điều kiện tối đa để cán bộ, giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, trình độ tin học do ngành, địa phương tổ chức. Đồng thời, khuyến khích các thầy cô tự học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau. Mỗi giáo viên thực hiện soạn giáo án điện tử, các bài giảng điện tử (trình chiếu Powerpoint). Khó khăn, vướng mắc đâu sẽ tháo gỡ ở đó”, thầy Định cho hay.

Nâng cấp hạ tầng đồng bộ

Cũng theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bản Bua chia sẻ, thì quá trình triển khai đơn vị gặp không ít khó khăn do sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Đó là thách thức chung của nhiều cơ sở giáo dục trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, nhà trường xem đây là cơ hội tốt để huy động, tranh thủ các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số giáo dục.

“Những năm gần đây, đơn vị đã được quan tâm hơn từ các cấp để dần đồng bộ cơ sở vật chất trường, lớp. Hiện trường có 24 phòng học văn hóa, 2 phòng tin học, 1 thư viện. Đặc biệt, với 15 máy chiếu, 29 máy tính phục vụ dạy học, 10 máy tính quản lý, có kết nối internet... đã tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên, học sinh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học”, thầy Định chia sẻ.

Học sinh Trường THCS Núa Ngam mượn máy tính bảng phục vụ học tập.

Học sinh Trường THCS Núa Ngam mượn máy tính bảng phục vụ học tập.

Tại Trường THCS Núa Ngam (huyện Điện Biên) năm học này có 453 học sinh theo học. Trong đó có 150 em ở nội trú. Cô giáo Trần Thị Tươi, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã được nhiều tổ chức quan tâm hỗ trợ máy tính, phục vụ hoạt động dạy học của giáo viên, học sinh. Trong đó, riêng chương trình “Sóng và máy tính cho em” hỗ trợ hơn 70 máy tính bảng.

“Với số thiết bị, máy móc được hỗ trợ, nhà trường đã rà soát, lên danh sách học sinh khó khăn để cho mượn học tập. Xây dựng thư viện số phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm kiếm tài liệu, thông tin. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với nhà mạng tiến hành rà soát, lắp đặt thêm 2 gói cước internet. Qua đó nâng cấp dữ liệu và tốc độ đường truyền, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, học sinh”, cô Tươi cho hay.

Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho rằng, việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục địa phương tập trung ở hai lĩnh vực: Quản lý giáo dục và dạy học, kiểm tra đánh giá.

Trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông trong toàn ngành, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định… Đối với dạy học và kiểm tra đánh giá sẽ thực hiện số hóa tài liệu, học liệu, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống dạy học, đào tạo trực tuyến, xây dựng trường học, lớp học thông minh…

“Để thực hiện mục tiêu đó, ngành đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung Đề án, kế hoạch của tỉnh. Trong đó, bên cạnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức thì việc hết sức quan trọng là tham mưu, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương để hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet. Làm sao cho đồng bộ từ vùng thuận lợi cho đến các khu vực khó khăn”, ông Hoàn cho hay.

Theo thống kê, rà soát, hiện nay 85% cán bộ, giáo viên ngành GD Điện Biên có chứng chỉ kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo quy định. 100% cơ quan, đơn vị kết nối internet cáp quang tốc độ cao. 100% cơ quan quản lý giáo dục và trường học có đủ số lượng máy tính, máy chiếu và thiết bị khác phục vụ công tác quản lý và dạy học.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 98,6% cấp thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động (tối thiểu 2G); 94,3% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (cấp thôn, bản) được phủ sóng thông tin di động mạng 3G, 4G. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang kéo đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và 88,9% cấp thôn, bản; 100% xã, phường, thị trấn có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm, 37,9% hộ gia đình có kết nối internet.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.