NGHI THỨC KHÔNG CHỈ LÀ QUY TẮC

Thạc sĩ Lê An Na và triết lý giảng dạy về nghi thức và phong thái

GD&TĐ - Theo Thạc sĩ Lê An Na, trong tương lai, nghi thức và phong thái sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong giáo dục và phát triển con người.

ThS Lê An Na tại tòa nhà Hội nghị Đổi mới và Sáng tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: N.D
ThS Lê An Na tại tòa nhà Hội nghị Đổi mới và Sáng tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: N.D

Trong không gian tĩnh lặng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Thạc sĩ Lê An Na - Nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ về hành trình góp phần xây dựng nền tảng văn hóa và nghi thức mới cho người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

- Được biết cô đang trong quá trình hoàn thành luận án tiến sĩ về Văn hóa và Giao tiếp liên văn hóa. Đâu là động lực khiến cô quyết định theo đuổi lĩnh vực này?

- Thạc sĩ Lê An Na: Tôi có niềm đam mê với văn hóa, nghiên cứu về văn hóa và sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Điều này xuất phát từ sự hứng thú và mong muốn hiểu sâu hơn về lịch sử hình thành của các giá trị văn hóa, các quy tắc, cách con người giao tiếp, ứng xử, và kết nối với nhau.

Những trải nghiệm trong những năm tháng học tập và làm việc tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, và Singapore đã giúp tôi có cái nhìn đa chiều và bồi đắp cho sự hiểu biết trở nên sâu sắc hơn. Từ đó, tôi nhận ra rằng, văn hóa và nghi thức cũng như một dạng ngôn ngữ, giống như âm nhạc, không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là biểu tượng của bản sắc và giá trị dân tộc.

Điều này thôi thúc tôi không ngừng nghiên cứu và truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ Việt Nam, để họ có thể tự tin hòa nhập với thế giới mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi của quê hương.

- Vậy một cách ngắn gọn, cô có thể chia sẻ điều gì tạo nên sự khác biệt trong phương pháp giảng dạy nghi thức và phong thái của cô trong bối cảnh hiện tại?

- Điểm khác biệt lớn nhất trong phương pháp giảng dạy của tôi chính là sự kết hợp giữa nền tảng văn hóa Việt Nam và các giá trị quốc tế. Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc dạy kỹ năng giao tiếp quốc tế mà quên mất rằng, để thành công trong môi trường toàn cầu, chúng ta không chỉ “biết ở bề mặt” mà còn cần thấu hiểu sâu sắc để từ đó có thể áp dụng các quy tắc quốc tế trong khi vẫn giữ vững bản sắc văn hóa của mình.

Các khóa học, các chương trình học mà tôi đã xây dựng tại PAVI Academy - Học viện Phong thái và Nghi thức Việt Nam không chỉ tập trung vào nghi thức mà còn chú trọng vào việc truyền đạt tinh thần văn hóa, giúp học viên hiểu rõ ý nghĩa và giá trị đằng sau mỗi hành động, mỗi quy tắc. Điều này giúp học viên không chỉ ứng xử đúng mực mà còn tự tin thể hiện bản sắc cá nhân và các giá trị riêng có của dân tộc Việt Nam, trong khi vẫn thấu hiểu rõ nét các chuẩn mực và nghi thức quốc tế.

h2-947.jpg
Ths Lê An Na với khóa học Trà đạo truyền thống Nhật Bản. Ảnh: N.D

- Cô có thể chia sẻ thêm về trải nghiệm học tập và đào tạo tại các quốc gia khác nhau? Những điều đó đã ảnh hưởng như thế nào đến triết lý giảng dạy của cô?

- Tại mỗi quốc gia trên hành trình học tập và làm việc của tôi đều mang đến cho tôi những kiến thức và bài học vô giá. Tôi có thể tóm lược ngắn gọn như sau, tại Liên bang Nga, tôi học được sự chính xác và kiên nhẫn trong cách tư duy và làm việc, tại Singapore, tôi tiếp thu cách ứng xử lịch lãm và tinh tế, rất phù hợp với một môi trường đa văn hóa, còn ở Anh Quốc, tôi được trải nghiệm sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của văn hóa Châu Âu.

Dưới góc nhìn của giá trị văn hóa, việc hiểu biết về những điều này, tôi cho rằng rất quan trọng đối với mỗi cá nhân chúng ta. Những trải nghiệm này đã góp phần giúp tôi hình thành và xây dựng nên triết lý và phương pháp giảng dạy đặc biệt, không chỉ giúp học viên nắm vững các kỹ năng nghi thức mà còn tạo nên phong thái tự tin và bản lĩnh trong mọi tình huống dựa trên một nền tảng hiểu biết vững chắc nhất về văn hóa.

- Vậy theo cô, đâu là những yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển nghi thức và phong thái cho thế hệ trẻ Việt Nam?

- Đầu tiên, đó là sự tự tin. Sự tự tin không chỉ đến từ việc chúng ta biết và hiểu mình phải làm gì, mà còn từ sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa và về giá trị của bản thân.

Thứ hai là khả năng giao tiếp linh hoạt, biết khi nào cần theo chuẩn mực quốc tế và khi nào cần giữ vững văn hóa và bản sắc của riêng mình. Điều đó chỉ có được khi chúng ta thấu hiểu, chúng ta phải thấu hiểu thay vì chỉ biết về nó.

Cuối cùng, vẫn là giá trị mà tôi theo đuổi cũng như muốn lan tỏa, đó là tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống của đất nước. Hội nhập không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ, lãng quên bản sắc của mình; ngược lại, đó là cơ hội để chúng ta giới thiệu và làm phong phú thêm các giá trị tinh hoa của nền văn hóa nước nhà.

- Cô có nghĩ rằng trong tương lai, nghi thức và phong thái sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong giáo dục và phát triển con người tại Việt Nam?

- Chắc chắn là như vậy. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc nắm vững các kỹ năng, nghi thức và phong thái tự tin sẽ giúp thế hệ trẻ không chỉ thành công trong môi trường quốc tế mà còn trở thành những đại diện tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Tôi có niềm tin rằng, việc giáo dục nghi thức và phong thái sẽ được đánh giá đúng và thiết kế một cách phù hợp, để có thể đưa vào chương trình học từ sớm, để các em có thể phát triển một cách toàn diện, từ kiến thức đến cách ứng xử và giao tiếp, đó cũng là cách tiếp cận khác để thế hệ tương lai có thể thấu hiểu hơn, từ đó góp phần củng cố, tôn vinh, tiếp tục phát triển các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc ta.

- Được biết cô đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo tại các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Theo cô, thách thức lớn nhất trong việc truyền đạt kiến thức về nghi thức và phong thái cho các học viên là gì?

- Thách thức lớn nhất có lẽ là việc thay đổi nhận thức và thói quen của học viên. Nhiều người thường nghĩ rằng nghi thức chỉ là những quy tắc xã giao bề ngoài, nhưng thực tế, đó là cả một hệ thống giá trị và văn hóa cần được thấu hiểu và thực hành một cách sâu sắc, nó bắt nguồn từ bên trong. Tôi luôn cố gắng giúp học viên thấy rằng, việc nắm vững những quy tắc, nguyên tắc nghi thức và phong thái không chỉ giúp họ giao tiếp hiệu quả hơn mà còn góp phần xây dựng hình ảnh cá nhân và tập thể đối với những người xung quanh, trong công ty, với các đối tác và xa hơn là bạn bè quốc tế.

h3-690.jpg
Hình ảnh từ khóa đào tạo “Chuẩn tác phong chuyên nghiệp trong lĩnh vực Ngân hàng” cho cán bộ nhân viên ngân hàng HDBank. Ảnh: N.D

- Ở một chừng mực nào đó, có thể nói rằng, dường như cô đã tìm thấy sứ mệnh của mình và cô đã và đang theo đuổi sứ mệnh này. Cô có định hướng gì đặc biệt cho các thế hệ học viên sau này?

- Sứ mệnh của tôi là không ngừng nâng cao sự thấu hiểu của mỗi người trong chúng ta, thế hệ trẻ tương lai về nghi thức và phong thái trên nền tảng hiểu biết sâu sắc về văn hóa, giúp họ tự tin và góp phần vào thành công trong môi trường hội nhập quốc tế.

Tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình, trong việc hình thành và kiến tạo một hệ thống giáo dục toàn diện, nơi mà các thế hệ học viên không chỉ học cách ứng xử đúng mực mà còn thấm nhuần giá trị văn hóa dân tộc.

Tôi tin rằng, với sự phát triển của giáo dục, với định hướng của Bộ GD&ĐT và sự kết nối toàn cầu ngày càng sâu rộng, người Việt Nam sẽ ngày càng tự tin và thành công hơn trên trường quốc tế, đồng thời góp phần xây dựng một bản sắc văn hóa mạnh mẽ và đầy tự hào.

- Cảm ơn Thạc sĩ Lê An Na vì buổi trò chuyện đầy ý nghĩa này. Chúc cô luôn thành công trên con đường sự nghiệp và tiếp tục lan tỏa những giá trị văn hóa quý báu của người Việt Nam ra thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.