Tết trong tâm thức nhà giáo lão thành

GD&TĐ - Mỗi dịp Tết đến xuân về, cả một trời ký ức tuổi thơ – Tết thời bao cấp của GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại ùa về, vẹn nguyên và tươi mới.

Cửa hàng bán đồ Tết ngày xưa. Ảnh tư liệu
Cửa hàng bán đồ Tết ngày xưa. Ảnh tư liệu

Ở tuổi 85, GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc vẫn còn nhớ như in Tết xưa của người Việt, giản dị nhưng ấm áp và ngập tràn yêu thương.

“Đặc sản” Tết xưa

GS Phạm Minh Hạc nhớ lại, năm 1946 – Tết thứ 2 kể từ ngày đất nước độc lập. Năm ấy, ông mới hơn 10 tuổi. Dù còn khó khăn, thiếu thốn do ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng nhà nào nhà nấy đều cố gắng lo cho Tết được tươm tất và ấm cúng. Nhớ nhất là hình ảnh nhà nhà giã giò, gói bánh chưng và dựng cây nêu chiều 30 Tết. Tiếng giã giò khắp trong làng, ngoài xóm. Tiếng gọi nhau í ới giữa nhà này với nhà kia tạo nên những nét đặc trưng rất riêng của Tết xưa, mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có. 

“Ngày ấy, trẻ con như chúng tôi háo hức xem bố giã giò, rồi lê la sang hàng xóm (trong bụng ngầm thi đua xem nhà nào xong trước). Chiều đến, cùng mẹ ngồi bên nồi luộc bánh chưng, nghe kể đủ thứ chuyện, từ học hành cho đến việc nhà và những câu chuyện cổ tích. Nhưng có lẽ, vui nhất vẫn là được tham dự lễ mít tinh ở khu tập thể, mọi người cùng chung vui đón Tết. “Bàn tiệc” đơn giản với ít kẹo lạc tự làm, cùng ấm trà nóng… Vậy mà ai nấy đều hân hoan và cùng nhau quyết tâm thi đua lao động sản xuất, xây dựng xã hội mới ở miền Bắc” – GS.TS Phạm Minh Hạc nhớ lại, đồng thời cho biết: Nhớ nhất là cây nêu – hình ảnh quen thuộc của các gia đình với nhiều ý nghĩa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tiếc là ngày nay, tục trồng cây nêu dần bị mai một, rất ít gia đình giữ được nét đẹp văn hóa này.

GS.TS Phạm Minh Hạc kể tiếp: Đất nước mới độc lập, gia đình nào cũng nghèo như nhau, khó khăn thiếu thốn đủ bề, nhưng lại giàu tình, giàu nghĩa. Vì thế, tình làng nghĩa xóm luôn chan hòa, ấm áp. Thời bao cấp, mọi thứ đều được mua bằng tem phiếu với số lượng có hạn. “Dù chỉ còn là miền ký ức xa xôi, nhưng với thế hệ chúng tôi, Tết của thời kỳ “tem phiếu” vẫn luôn là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Đó là cả một trời ký ức tuổi thơ mà cho đến tận bây giờ chúng tôi vẫn nâng niu, trân trọng!” – GS.TS Phạm Minh Hạc tự hào nói, và nhớ đến hình ảnh xếp hàng để mua được bánh pháo, một ít mắm, muối, mấy lạng thịt lợn, hay chai rượu chanh, hộp mứt Tết… 

Ấy thế mà, để mua được hàng, có người còn phải xếp hàng “đặt gạch” từ 4 - 5 giờ sáng. Cách “đặt gạch” cũng có “một không hai”, mà có lẽ chỉ thời kỳ bao cấp, tem phiếu mới có. Nhiều người nhận chỗ, xếp hàng bằng cách đặt viên gạch, hoặc đặt chiếc nón, lồng gà... “Nghĩ lại cũng thấy vui và nhớ hương vị Tết xưa đến nao lòng. Giờ đây, tất cả trở thành “đặc sản” của Tết thời bao cấp” – GS.TS Phạm Minh Hạc vui vẻ kể lại.

GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc. Ảnh: Sỹ Điền
GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc. Ảnh: Sỹ Điền

Nhớ nét đẹp truyền thống

Tết trong tâm thức của nhà giáo lão thành Phạm Minh Hạc còn là những ngày được may áo mới. “Tôi cũng không ngoại lệ. Ngày thường phải mặc quần áo vá đi học, nhưng những ngày gần Tết thường được bố mẹ mua quần áo mới để ăn mặc tươm tất, sạch sẽ đón Tết” – GS.TS Phạm Minh Hạc nhớ lại, đồng thời cho biết: Thời đó, đêm 30 Tết, ít người ra ngoài đường như bây giờ. Mọi người thường quây quần bên gia đình, bóc hộp mứt hay mở chai rượu chanh để cùng thưởng thức, đón Giao thừa. Sáng mùng 1 Tết, sẽ có đại diện tổ dân phố và các đoàn thể đến chúc Tết những gia đình có người cao tuổi… Tiếp khách ngày Tết cũng chỉ có nước chè và thêm ít hạt dưa hoặc hạt bí. Ngày ấy, mọi người đều trọng chữ tình và luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau, nhất trong những ngày Tết.

“Thời chúng tôi còn là học sinh, rất chú ý đến phong tục “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ và mùng 3 Tết thầy”. Bên cạnh niềm vui đón năm mới, vào ngày mùng 3, học trò chúng tôi thường đến nhà thầy, cô giáo để chúc Tết. Qua đó, không chỉ bày tỏ tấm lòng tri ân, mà còn gửi gắm lời chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng đến thầy, cô đã dạy dỗ mình. Quà biếu thầy, cô không nặng về vật chất, mà coi trọng tình cảm, nghĩa thầy – trò. Có chăng là gói trà thơm để thầy – trò ngồi quây quần bên nhau tâm sự chuyện năm cũ, năm mới. Với tôi, ngày mùng 3 Tết thầy luôn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là nét đẹp văn hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người dân Việt Nam, rất cần gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp” – GS.TS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

Trước đây, GS.TS Phạm Minh Hạc vẫn đến thăm và chúc Tết các thầy giáo đã từng dạy và có ảnh hưởng lớn đến học tập, sự nghiệp của mình. Nhưng một vài năm gần đây, sức khỏe không được tốt như xưa nên GS thường gọi điện chúc mừng năm mới đến các thầy giáo của mình. “Bản thân tôi cũng là nhà giáo, nên trong những ngày Tết nhận được nhiều lời chúc của học trò cũ. Điều đó làm tôi rất vui và hãnh diện” – GS.TS Phạm Minh Hạc bộc bạch. 

Theo GS.TS Phạm Minh Hạc, ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi nên cách bày tỏ tình cảm của học trò với thầy giáo ít nhiều khác so với ngày xưa. Do điều kiện, hoàn cảnh nên nhiều người thay vì trực tiếp đến nhà chúc Tết, đã gửi lời chúc thầy cô qua tin nhắn điện thoại, Zalo, Facebook hoặc gửi điện hoa… Nhưng dù là bằng hình thức nào cũng đáng trân quý vì đó là tình cảm chân thành của học trò với người đã dìu dắt mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.