Sáng ngày 10/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thăm, tặng quà công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán 2024 tại Công ty Kefico thuộc Tập đoàn Hyundai Motor, khu công nghiệp Đại An (Hải Dương).
Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước là không để ai không có Tết, không có ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời yêu cầu Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương tiếp tục rà soát, quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, những người khó khăn, yếu thế, công nhân, người lao động…, bảo đảm an ninh, an toàn… để người dân có một cái Tết trọn vẹn.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán 2024, TP Hải Phòng sẽ tặng người có công 5,5 triệu đồng, trong đó 5,2 triệu tiền mặt và 300.000 đồng quà tặng, gấp gần 10 lần mức chung của cả nước. 1.030 hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận hỗ trợ 1,6 - 1,8 triệu đồng mỗi hộ. Người từ 70 tuổi trở lên được tặng từ 900.000 đồng đến 1,7 triệu đồng. Trẻ mồ côi, khuyết tật nhận quà một triệu đồng mỗi em.
Đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, mỗi độ Tết đến, Xuân về, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội lại tập trung mọi nguồn lực chăm lo Tết cho người dân như vậy! Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt ở khắp mọi miền đất nước để thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà gia đình người có công với cách mạng, gia đình chính sách, các hộ nghèo, hộ khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa…
Chính quyền địa phương, công đoàn các cấp có nhiều hoạt động để người lao động “ai cũng có Tết” như: Tặng quà, hỗ trợ vé tàu xe, tổ chức những “chuyến xe 0 đồng”, “phiên chợ 0 đồng”, tổ chức đón Tết cho những người không về quê ăn Tết...
Không chỉ chăm lo Tết cho người dân từ nguồn ngân sách, các địa phương trong cả nước còn vận động nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và người yếu thế trong xã hội.
Tăng trưởng hơn 5% là một thành tích ấn tượng nhưng chắc chắn thành quả đó không bao phủ hết mọi nhóm người trong xã hội. Trong bối cảnh như vậy, sự quan tâm và trợ giúp để mọi người dân, nhất là gia đình chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế, có một cái Tết trọn vẹn chính là sự bù đắp ý nghĩa cho những khó khăn, mất mát sau những năm dịch bệnh và chật vật phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, sự chăm lo lâu dài hơn, ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn sẽ không dừng lại ở những món quà Tết cho từng cá nhân, hộ gia đình. Các vấn đề chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến phát triển công bằng, bền vững và bao trùm, đến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo… là những bài toán lớn mà Nhà nước phải giải quyết để trở thành quốc gia thịnh vượng và mọi người dân, nhất là những nhóm yếu thế, đều được thụ hưởng thành quả đó.