Tết nhà giáo vùng khó: Ấm áp giá trị tinh thần

Tết nhà giáo vùng khó: Ấm áp giá trị tinh thần

Vượt lên khó khăn

Ở bất kỳ cơ quan, ngành nghề nào mỗi dịp Tết đến xuân về người lao động đều mang tâm lý hồi hộp ngóng chờ những khoản lương thêm, thưởng phụ (dù lớn hay nhỏ nhất). Nhưng với những người thầy vùng cao, vùng khó… họ đã quen với không thưởng, không quà ngày Tết. Thưởng Tết với nhà giáo chỉ mang giá trị tinh thần.

Thầy Bùi Quang Hòa - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Bát Đại Sơn huyện Quản Bạ (Hà Giang) chia sẻ: Khái niệm thưởng Tết không có trong suy nghĩ của đội ngũ giáo viên (GV) vùng cao chúng tôi từ lâu.

Chẳng có khoản nào để thưởng cho GV bởi nhà trường thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp. Ngân sách giáo dục hàng năm được cấp chỉ có hạn, khoản chi nào đã vào khoản chi đó, chẳng lấy đâu dôi dư để tiết kiệm mà chia, thưởng.

Cũng theo thầy Hòa, những năm trước đây, Công đoàn nhà trường cố gắng tiết kiệm lắm thì cũng chỉ động viên tinh thần mỗi thầy cô bằng phần quà nhỏ là gói mì chính, gói mứt tương đương vài chục nghìn đồng.

Từ Hiệu trưởng đến nhân viên bảo vệ đều như nhau về chế độ quà Tết. Thế nhưng, quà cũng là tiền của chính các công đoàn viên đóng góp rồi tự thưởng cho mình. Quà thưởng chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính chứ không có giá trị vật chất.

Cô Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết: Thưởng Tết là điều xa xỉ với nhà giáo vùng khó. Nhưng vì thầy cô đều hiểu nên ai cũng vui vẻ chấp nhận, chẳng lấy đó làm buồn phiền, hay so sánh với ngành nghề khác. Nói tới thưởng Tết, GV chỉ cười.

Thế nhưng ở cương vị người lãnh đạo nhà trường, thầy Bùi Quang Hòa và cô Bùi Thị Hường cũng không tránh khỏi những suy nghĩ, trăn trở khi Tết đến chẳng có được chút quà động viên tinh thần GV. Giáo dục vốn “khó” nên lãnh đạo có muốn vẫn “lực bất tòng tâm”.

“Xây trường lớp, ủng hộ học sinh nghèo tới trường, giúp đỡ thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt… thì có thể vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng chung tay hỗ trợ. Còn thưởng Tết giáo viên chẳng thể hô hào hay xin xỏ.

Mặt khác, GV dù còn nhiều thiệt thòi nhưng họ đã và luôn tự trọng, nỗ lực vượt khó nên cũng chẳng vì không có mà đòi hỏi. Chính vì vậy, Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường chỉ biết cố gắng động viên và chia sẻ cùng GV bằng buổi liên hoan bánh kẹo giản dị mà ấm ấp tình đồng nghiệp” - cô Hường ngậm ngùi.

Thầy giáo Phạm Xuân Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Lao Bảo, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng cho biết: Sát Tết nhưng chẳng GV nào thắc mắc Tết được thưởng bao nhiêu, hơn kém năm trước thế nào?…

Hàng chục năm đi dạy của tôi, trải qua các cương vị từ GV tới quản lý, từ trường vùng khó đến thuận lợi hơn nhưng chưa khi nào biết tới thưởng Tết và chắc đồng nghiệp của tôi cũng vậy. GV chúng tôi quen và coi đó như điều tất nhiên. Thế nhưng có được chút gì đó về vật chất (dù nhỏ) để động viên các thầy cô thì tâm lý cũng vui hơn.

Quả thực, động viên đội ngũ giáo viên vào những ngày Tết về tinh thần và vật chất dù nhỏ nhất luôn là nỗi trăn trở từ đội ngũ quản lý ngành Giáo dục và các nhà trường. Song đến nay, về cơ bản, ngành Giáo dục các địa phương với nhiều nỗ lực mới có điều kiện hỗ trợ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

“Để đội ngũ GV, ai cũng có quà, có thưởng như một vài ngành nghề khác vẫn là mong muốn, ước mơ” - thầy Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Quảng Trị cho biết.

Thầy Quang cũng cho biết: Năm nay Công đoàn ngành GD&ĐT Quảng Trị kết hợp với Công đoàn Trường ĐH Đà Nẵng sớm trao những phần quà hỗ trợ cho trường hợp GV và HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trước Tết Nguyên đán.

Theo đó, có khoảng 15 GV có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 1 triệu đồng; 6 - 8 GV khó khăn và bệnh tật hiểm nghèo mỗi người được hỗ trợ 2 triệu đồng; khoảng 40 GV và 60 HS được hỗ trợ 500.000 đồng/người. Mặc dù số lượng GV và HS được hỗ trợ chưa nhiều nhưng đây là nỗ lực lớn của ngành GD&ĐT Quảng Trị trong việc quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với những GV và HS có hoàn cảnh khó khăn.

Cho những ngày Tết sum vầy

Đối với các thầy cô vùng khó, vùng cao biên giới… nỗi lo lớn nhất của họ trước và sau Tết là đường xá giao thông. Chính vì vậy, những người làm công tác quản nhà trường lại thêm cả nỗi lo cho những chuyến trở về quê hương đón Tết của đồng nghiệp.

Cô Bùi Thị Hường cho biết: Trường có 60% GV dưới xuôi lên công tác. Tỉ lệ GV người địa phương còn ít. Đa số GV quê ở Yên Bái, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định… Có người về Tết bằng xe khách, tầu hỏa, người đi xe máy riêng. Quãng đường di chuyển của họ trong những ngày Tết lên tới vài trăm km trong điều kiện đi lại hạn chế, khó khăn.

 Mỗi năm chỉ vào dịp hè và Tết thì GV vùng cao mới có thời gian về với gia đình. Việc đi lại là tất yếu nhưng cũng nhiều vất vả. Chỉ mong hành trình của thầy cô về quê, sum vầy với gia đình cha mẹ trong ngày nghỉ Tết an toàn may mắn và trở lại trường tiếp tục công việc đúng lịch bình an. Lúc nào quân số GV trở lại trường đầy đủ thì khi đó chúng tôi mới hết lo lắng… 
Thầy Phạm Xuân Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Lao Bảo  

Có thể thấy, mỗi thầy cô tùy theo đặc điểm địa hình, vùng miền khác nhau lại mang một nỗi lo khác nhau. Có những thầy cô vùng cao đi cả nửa ngày đường bằng xe máy mới về tới nhà. Nhiều thầy cô gia đình và nơi công tác khác tỉnh, mỗi dịp về nghỉ Tết hay hè đều phải lên phương án rất sớm từ việc dành dụm tiền để mua vé tàu xe đến việc mua vé tàu trước cả tuần, tháng.

Cô giáo Ôn Thị Lý - Trường PTDTBT TH xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Năm nào mùng 2 Tết vợ chồng và 2 con nhỏ đều về Tuyên Quang chúc Tết bên ngoại. Với khoảng cách khá xa nên gia đình cô thường phải đi từ sáng sớm và chiều mới tới nơi.

Đón Tết sát ngày quay trở lại trường, gia đình cô lại ngược lên Quản Bạ (Hà Giang). “Mỗi lần về quê ăn đón Tết với gia đình vui thật nhưng với đồng lương giáo viên của hai vợ chồng thì mỗi chuyến đi cũng tốn kém. Đó là chưa kể, xe khách ngày Tết giá cả đắt đỏ, một số tuyến ít xe, việc đi lại đầy vất vả…” - cô Lý nói.

Nhiều thầy cô quê miền Bắc vào lập nghiệp tại Ngọc Hiển (Cà Mau) rớt nước mắt chia sẻ về nỗi nhớ gia đình, quê hương (đặc biệt trong những ngày Tết truyền thống). Thế nhưng cố gắng lắm thì 4 - 5 năm họ mới về quê một lần.

Có người cả chục năm rồi chưa về quê đón Tết ở quê hương bên gia đình. Điều cản trở họ nhiều nhất là kinh tế bởi mỗi chuyến đi tốn cả chục triệu đồng. Gia đình có 3 - 4 người cùng đi thì họ càng không có khả năng kinh tế. Tết xa gia đình vẫn chỉ là những cuộc điện thoại hỏi thăm vội vàng, những mong ước hứa hẹn ngày đoàn tụ sum vầy.

Các hoạt động văn hóa dân tộc được tổ chức nhằm thu hút học sinh những ngày trước và sau Tết. Ảnh: Đức Trí
 Các hoạt động văn hóa dân tộc được tổ chức nhằm thu hút học sinh những ngày trước và sau Tết. Ảnh: Đức Trí

Giữ “lửa” học nơi trường lớp

Không thể phủ nhận thực tế công tác duy trì sĩ số trường lớp, tỉ lệ chuyên cần của HS vùng cao trong những ngày trước và sau Tết hiện nay có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng công việc duy trì sĩ số, giữ “lửa” cho những tiết học trước và sau Tết đối với những người thầy vùng cao không hề dễ dàng. Để đạt hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền địa phương, ý thức người dân trong giáo dục và đặc biệt đòi hỏi trách nhiệm của GV vùng khó.

Theo thầy Phạm Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Mậu Long, xã Mậu Long, huyện Yên Minh (Hà Giang): Không khí trước và sau Tết tác động không nhỏ tới tâm lý học tập của HS. Vì vậy, Tết đến với GV vùng khó đồng nghĩa tăng thêm nhiệm vụ duy trì sĩ số bằng mọi cách.

“Làm sao để HS không rã đám, không học hành uể oải, không vi phạm các kỷ luật trường học (đi học muộn, bỏ học, trốn tiết, đốt pháo…) buộc chúng tôi phải triển khai đồng loạt các giải pháp trong giảng dạy và quản lý HS. Trường tôi đã siết chặt kỷ luật; tuyên truyền vận động; phối kết hợp cùng phụ huynh đốc thúc nhắc nhở con đến trường. Thậm chí mời cả cha mẹ HS đến ký cam kết không ép con nghỉ học sớm”, thầy Tường cho biết.

Cô Ôn Thị Lý cũng chia sẻ: Tránh cho HS rơi vào tình trạng ể oải từ đó bỏ lớp, trốn học… dịp trước và sau Tết đòi hỏi các thầy cô phải tích cực xây dựng và áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy phong phú. Động viên khuyến khích tinh thần học tập của HS bằng cả khen ngợi lẫn chủ động lồng ghép giữa học và chơi; học trên lớp và học ngoài thực tế.

Tại Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu - Mường Khương (Lào Cai), thầy Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ cách “vực” dậy tinh thần học tập của HS: Nhà trường thịt lợn tự nuôi (từ cơm canh thừa của HS trong năm) trước khi nghỉ Tết để GV, HS toàn trường liên hoan. Ngoài ra còn tổ chức hoạt động gói bánh chưng. Với hoạt động này, GV vừa dạy HS cách gói bánh, vừa tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống, giúp HS có thêm những kĩ năng thực tế cuộc sống khi trở về gia đình có thể vận dụng.

Thầy Phùng Thế Tùng cũng khẳng định: Trước và sau Tết là thời điểm luôn đi kèm nỗi lo HS bỏ học trong đội ngũ GV. Các thầy cô không chỉ vất vả hơn trong công tác vận động học sinh trở lại trường lớp mà còn phải sẵn sàng tổ chức dạy bù, dạy bổ sung kiến thức học sinh bị quên hoặc rỗng sau quá trình nghỉ và bỏ học. Đảm bảo để HS có đủ kiến thức cơ bản.

Trong số những nguyên nhân chính khiến học sinh vùng cao, vùng khó bỏ học nhiều vào dịp trước và sau Tết cho thấy đa phần các em bỏ học để phụ giúp gia đình vụ mùa, tham gia các lễ hội; buôn bán kiếm thêm phụ giúp gia đình ở những khu du lịch, gánh vác hàng hóa, buôn bán ở khu vực biên giới (nơi có cửa khẩu phát triển).

Nhiều HS từ chỗ tham gia kiếm tiền theo vụ mùa nhưng thấy thuận lợi thì sẵn sàng trốn học rồi chuyển hẳn sang bỏ học để lao động kiếm sống và chơi bời. Có HS dù không muốn bỏ học nhưng gia đình, bố mẹ bắt nghỉ học cả tháng sau Tết để phụ giúp công việc vụ mùa, mưu sinh.

“Việc duy trì ổn định sĩ số học sinh trước và sau Tết, đảm bảo cho hoạt động giáo dục khiến các nhà trường và đội ngũ giáo viên luôn căng mình với cả chuyên môn lẫn hoạt động ngoài giờ lên lớp, bám sát thực tế. Thế nhưng, với đa số những thầy cô vùng khó, khi tình yêu trò yêu nghề đặt lên hàng đầu họ sẽ không quản ngại thách thức để hoàn thành nhiệm vụ” - Thầy Tường Phạm Văn Tường chia sẻ.

Đời sống của đội ngũ nhà giáo vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, việc thưởng Tết với giá trị vật chất lớn đều nằm ngoài khả năng, hành động của các nhà trường. Chính vì vậy, giá trị ngày Tết đối với giáo viên vùng khó thường mang ý nghĩa tinh thần, chung vui và hướng về gia đình, đồng nghiệp. Tết nhà giáo giản dị như chính nghề nghiệp, cuộc sống hàng ngày của họ nhưng cũng vô cùng ấm áp và thiêng liêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.