Tết đến, xuân về thấy rõ hơn cống hiến của thầy cô cắm bản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dịp lễ, Tết với giáo viên cắm bản, quà của học sinh không phải những món đồ giá trị mà là những bó hoa rừng, củ khoai, củ sắn...

Cô giáo ở điểm Trường PTDT Bán trú Tiểu học Ái Quốc cõng học sinh đi qua suối.
Cô giáo ở điểm Trường PTDT Bán trú Tiểu học Ái Quốc cõng học sinh đi qua suối.

Những món quà bình dị mà đầy ý nghĩa ấy là động lực để các thầy cô gắn bó với bản làng vì sự nghiệp trồng người.

Miệt mài gieo con chữ

Chúng tôi đến thăm điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng (Bảo Lạc, Cao Bằng) vào buổi chiều mùa Đông. Sương dày đặc khiến đường đến điểm trường mờ mịt. Từ thị trấn Bảo Lạc, đến điểm trường chính khoảng 40km, sau đó phải vượt một quãng đường rừng nhấp nhô sỏi đá 4km nữa mới đến được điểm trường Phiêng Chầu 2.

Điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2, hiện ra trước mắt chúng tôi là một dãy nhà cấp 4 và một dãy nhà công vụ thưng ván gỗ, nằm quần tụ giữa lưng chừng núi. Ở nơi xa xôi, heo hút, khí hậu lạnh lẽo này, hàng ngày luôn có hơi ấm của các cô giáo “cắm bản” miệt mài ươm mầm con chữ cho các em học sinh dân tộc nội trú.

Cô Đàm Thị Duyệt, một trong những giáo viên có thâm niên lâu năm ở đây cho biết: Cả điểm trường có 4 lớp học, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Dao. Có nhiều em nhà ở xa điểm trường, đi học rất vất vả, nhưng các em vẫn rất chịu khó đi học đều. Chỉ có hôm mưa to không qua được suối, các em mới nghỉ.

“Có nhiều em học sinh đi học rất xa, có em phải dậy từ 4 giờ sáng đi bộ khoảng 8km đường rừng để đến lớp. Nhìn các em đến trường vất vả, các cô chỉ muốn làm nhiều điều hơn nữa để các em đỡ thiệt thòi...”, cô Duyệt chia sẻ.

Công việc của các cô nơi đây vừa phải trực tiếp đứng lớp, vừa phải tự tay nấu nướng, chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ của các em học sinh. Sau những giờ giảng bài, các cô lại chia nhau nấu bữa cơm trưa bán trú cho các em học sinh.

Theo cô Duyệt, những năm 2016 - 2017, theo chủ trương của ngành Giáo dục, các lớp 4, lớp 5 học sinh không đủ sĩ số phải dồn lớp xuống các điểm trường chính. Do đường sá xa xôi, hiểm trở, đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế, nên nhiều học sinh đã bỏ học.

Để vận động học sinh trở lại trường, thầy cô phải leo rừng, lội suối đến tận nhà vận động từng phụ huynh để vận động cho con em đến lớp. Từ điểm trường đến bản xa nhất là 8 - 10km, đường rừng lại vòng vèo khó đi, không cẩn thận đi xe rất dễ bị trượt ngã, tai nạn.

Cô giáo Lâm Thị Nhung, phụ trách điểm Trường Tiểu học Phiềng Chầu 2 cho biết, cả điểm trường có 7 giáo viên, thì có đến 5 thầy cô là người ở địa phương khác đến bám bản gieo chữ.

“Người ở tận Trùng Khánh, Hòa An, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Đến chiều thứ Sáu, các thầy cô lại ngồi lên chiếc xe máy cọc cạch vượt đường đèo trở về nhà. Nhà thầy cô nào gần nhất cũng phải hơn 100km, xa nhất là 160km. Khổ nhất là vào mùa mưa, vì mùa này hay bị sạt lở, nhiều khi chiếc xe bất chợt hỏng giữa đường, các cô phải dắt bộ cả chục cây số mới đến được tiệm sửa xe.

Cả điểm trường chỉ có 4 phòng công vụ chật hẹp, nên được ưu tiên cho 4 cô giáo. Gọi là nhà công vụ, nhưng đó là những căn phòng chật hẹp, do bà con hỗ trợ dựng tạm bằng ván, diện tích chưa đầy 4m2, nhưng được kê đủ một chiếc giường nhỏ, bàn soạn bài và cả bếp nấu nướng. Xung quanh căn phòng các cô phải quây bạt để tránh gió lùa và cái rét cắt da, cắt thịt trên vùng rẻo cao này...”, cô Nhung thông tin.

Nhà công vụ của thầy cô giáo điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2.
Nhà công vụ của thầy cô giáo điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2.
Bếp nấu ăn của thầy cô giáo điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2.
Bếp nấu ăn của thầy cô giáo điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2.

Thắp sáng ước mơ cho trò nghèo

Năm 2021, chúng tôi lần đầu ghé thăm điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2 đã được chứng kiến dãy phòng công vụ trên, nhưng giờ đã xuống cấp hơn. Dường như những khó khăn, vất vả đối với những giáo viên ở điểm trường này là quá đỗi bình thường. Dù thiếu thốn, nhưng họ vẫn ngày đêm miệt mài gieo con chữ cho các em học sinh dân tộc tiểu số.

“Điều mà thầy cô vui nhất là các em học sinh ở Phiêng Chầu 2 giờ đây rất thích đến trường để học chữ. Đó là món quà quý giá nhất của những giáo viên cắm bản như chúng tôi ở lại cống hiến và phấn đấu” cô Duyệt chia sẻ.

Không riêng gì ở điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2, đó là khó khăn chung của các thầy cô cắm bản. Niềm vui của giáo viên cắm bản không phải những món quà giá trị mà quà của các em tặng cô những bó hoa rừng, củ khoai, củ sắn, là những bữa cơm gia đình của phụ huynh.

Thầy giáo Dương Công Bao, công tác tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Ái Quốc (Lộc Bình, Lạng Sơn) có thâm niên 7 năm cắm bản cho biết: Ái Quốc là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình. Học sinh của trường chiếm 99% là dân tộc Dao. Niềm vui ấm áp nhất của các thầy cô giáo là vào các dịp lễ, Tết thường xuyên được các phụ huynh mời vào ăn Tết cùng.

“Người Dao thường ăn Tết trước Tết Âm lịch nên vào dịp Tết (của đồng bào Dao) bà con thường mời các thầy cô giáo vào bản chung vui. Vào với bà con, chúng tôi được đón tiếp như người nhà. Những bữa cơm ấm áp là những món quà ý nghĩa đối với giáo viên cắm bản như chúng tôi...”, thầy Bao thông tin.

Mỗi dịp Tết, xuân về lại thấy rõ hơn sự cống hiến, hy sinh của các thầy cô giáo điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2 và Trường PTDT bán trú Tiểu học Ái Quốc nói riêng cũng như các thầy cô giáo vùng cao nói chung. Giáo viên cắm bản đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đường sá xa xôi, lầy lội, quanh co, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để mang con chữ, sự hiểu biết đến với các em nhỏ vùng cao. Qua đó để mỗi mùa Xuân đi qua lại góp phần bồi đắp, thắp sáng tri thức cho học sinh vùng khó vươn lên trong học tập, xây dựng quê hương đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ