Trường Sa với đất liền gần nhau hơn

GD&TĐ - Ngoài giờ làm việc, một cán bộ xã Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã tình nguyện dạy Tin học cho trẻ nhỏ ngoài đảo.

“Thầy” Nguyễn Thiên An hướng dẫn Nguyễn Phạm Yến Trinh học bài.
“Thầy” Nguyễn Thiên An hướng dẫn Nguyễn Phạm Yến Trinh học bài.

Tất cả chỉ với mong muốn làm sao khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền thêm ngắn lại…

Đưa Tin học ra pháo đài trên biển

Nguyễn Thiên An (sinh năm 1991) là công chức Văn hóa – Xã hội kiêm Chủ tịch UBMTTQ xã Song Tử Tây. Gần 1 năm qua, cứ sau giờ làm việc buổi chiều các ngày thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, phòng làm việc của anh lại vui nhộn tiếng cười nói của đám trẻ nhỏ. Chúng đến để chờ khi “thầy” An rảnh để dạy về máy vi tính. Lúc này, phòng làm việc được chuyển sang thành lớp học Tin học.

Anh Nguyễn Thiên An chia sẻ, mình may mắn lắm mới được cấp ủy, chính quyền địa phương duyệt lá đơn tình nguyện ra đảo công tác. Anh còn cảm thấy mình may mắn hơn khi mỗi ngày thấy đám trẻ ở đây một khôn lớn.

Nguyễn Thiên An từng theo học tại Đại học Quốc tế Bắc Hà; ngành Hệ thống Thông tin. Giữa tháng 6/2023, anh ra xã đảo Song Tử Tây công tác sau rất nhiều lần viết đơn tình nguyện. Sẵn kiến thức được đào tạo, trong khi điều kiện học tập của trẻ nhỏ nơi đảo xa còn hạn chế, Thiên An xin ý kiến của Chỉ huy đảo, Chính quyền địa phương và các hộ dân trên đảo, lớp Tin học của “thầy” Thiên An ra đời.

“Theo Chương trình GDPT 2018, môn Tin học được đưa vào chương trình chính ở bậc Tiểu học. Trong khi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số nên các con càng cần hơn về kiến thức trong lĩnh vực này. Bởi thế, tôi đã lên kế hoạch, cố gắng tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi để bố trí dạy cho các cháu 2 buổi/tuần. Mục tiêu là để các cháu ngoài đảo cũng có kiến thức đồng đều như các bạn trong đất liền”, Nguyễn Thiên An chia sẻ.

Theo anh An, cũng bởi số lượng máy tính còn hạn chế nên trước mắt chỉ có thể triển khai dạy được cho học sinh 2 khối lớp 4 và 5. “Sau gần 1 năm dạy học, các cháu đã nắm rõ được những nguyên lý cơ bản về cấu trúc máy tính, soạn thảo văn bản thành thạo, làm quen với bảng tính... Điều này khiến tôi cảm thấy rất vui”, anh Thiên An phấn khởi nói.

“Con rất vui khi được thầy An tận tình chỉ dạy. Ban đầu thì con bỡ ngỡ, không biết ghép từ khi soạn thảo văn bản trên máy tính. Nhưng rồi thầy đã dạy dỗ mỗi buổi. Giờ con đã có thể tự viết thư trên máy tính để gửi về cho mọi người ở trong đất liền”, Nguyễn Phạm Yến Trinh học sinh lớp 4 kể.

Anh Nguyễn Thiên An làm việc tại công sở.

Anh Nguyễn Thiên An làm việc tại công sở.

Biến thách thức thành hành động

Anh Nguyễn Thiên An cho rằng, dù ở biên cương hay hải đảo xa xôi thì mỗi cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đều tự chủ động, tích cực công việc của cá nhân mình và làm được nhiều hơn những việc tốt đẹp cho xã hội.

“Tôi mong muốn mọi người, mọi nhà đều được tiếp cận kỷ nguyên số, thời đại ứng dụng công nghệ thông tin. Cá nhân tôi kính mong Đảng, Nhà nước và các cấp quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện để phủ sóng 4G ra tới Trường Sa. Như vậy thì sẽ có điều kiện thuận lợi để cán bộ làm việc; học sinh được học tập tốt hơn; tạo kết nối để cho Trường Sa với đất liền không còn xa nữa”, anh Thiên An nói.

Trước khi được điều động ra xã đảo Song Tử Tây công tác, anh Nguyễn Thiên An có 8 năm công tác tại đất liền. Hành trang lớn nhất mà anh mang ra đảo là niềm vinh dự và tự hào khi được tổ chức tin tưởng, lựa chọn để bố trí công tác tại “pháo đài” vững chắc nơi thềm lục địa của Tổ quốc.

“Tôi luôn mong muốn được ra công tác và làm việc tại Trường Sa, nhất là khi được nghe quán triệt Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Trường Sa thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển của cả nước. Mảnh đất thiêng liêng này còn là pháo đài vững chắc trên thềm lục địa của Tổ quốc nên tôi càng vinh dự hơn khi được làm việc tại đây”, anh Thiên An nói.

Với niềm vinh dự đó, anh Thiên An luôn thầm hứa sẽ phải cố gắng hơn nữa để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với vai trò là một công chức và Chủ tịch UBMTTQ xã, anh Thiên An luôn xác định sẽ phải chú trọng làm tốt việc nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân cùng chiến sỹ trên đảo. Qua đó tạo nên tình đoàn kết quân – dân như “cá với nước”.

Bóng chiều đã ngả qua rặng cây phong ba trước của chùa Song Tử Tây uy nghiêm, trầm mặc. Tiếng lách cách phát ra từ những bàn phím máy tính của trẻ nhỏ học bài xen lẫn tiếng sóng biển ồn ào khiến cho xã đảo Song Tử Tây thêm nhiều sức sống mới. Nguyễn Khang Nguyên - học sinh lớp 4 vẫn miệt mài để hoàn thành nốt bức thư, mau chóng gửi về cho ông bà. Khang Nguyên muốn khoe với ông bà, người thân về thành tích học tập và sự tiến bộ mỗi ngày nơi đảo xa.

Chỉ tay về phía cây phong ba trước cửa trụ sở UBND xã Song Tử Tây, “thầy” Thiên An bảo: “Đó là cái cây đẹp nhất ở hòn đảo này. Loài cây này đặc biệt, rất khó lý giải. Thân cây giòn, rất dễ gãy khi chỉ cần một tác động nhỏ từ con người. Nhưng không hiểu sao, qua bao nhiêu trận mưa giông, bão tố cực mạnh nhưng nó vẫn hiên ngang đứng đó. Đám trẻ ở đây cũng vậy! Mỗi đứa sẽ là một cây phong ba nơi địa đầu Tổ quốc này!”.

Nguyễn Thiên An cho biết: Vinh dự khi được Đảng và Nhà nước phân công công tác tại nơi tuyến đầu của Tổ quốc, bản thân tôi luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề mà Tổ quốc giao phó. Tuy thời gian đầu ra nhận công tác có hơi bỡ ngỡ, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế, nhưng bản thân đã luôn tự nhủ phải cố gắng kiên trì khắc phục khó khăn, tự phát huy nội lực để biến khó khăn, thách thức thành hành động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.