Nghèo cũng ba ngày Tết, người Việt Nam thường nói như vậy khi chuẩn bị những vật phẩm thể hiện lễ nghi, phong tục của người Việt Nam đón Tết.
Giàu thì “ Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, nghèo cũng “ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Giàu có hơn cả vẫn là những “ tay bắt mặt mừng” kèm theo lời chúc tụng tốt đẹp nhất khi bắt đầu ngày mồng một.
Từ phút giao thừa trở đi bắt đầu tục “xông đất đầu năm”, đi chùa hái lộc cầu may, nói lời hay, làm việc tốt…Đấy là những sắc thái văn hóa rất riêng của người Việt thể hiện một nhu cầu hướng thiện. Đặc biệt là các hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa trong những năm gần đây như Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam, Tết cho người nghèo, trẻ em bất hạnh; Tết cho thanh niên khuyết tật, sinh viên nghèo (tại Đà Nẵng)…Và những ngày áp Tết, những chuyến hàng cứu trợ đồng bào vùng bão lũ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum…vẫn nối đuôi nhau ra Bắc vào Nam.
Tiếc thay, trong quá trình đi lên và phát triển của xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng của cơ chế thị trường, đã làm mai một không ít những phong tục tập quán tốt đẹp ấy. Đáng lo hơn cả là cái xấu, cái ác, tệ nạn xã hội vẫn hiện hữu (...)
Làm gì để loại trừ cái xấu, cái ác? Câu hỏi ấy không chờ lời giải đáp của riêng ai. Vậy mà không ít người đã an nhiên trước nỗi đau của người khác; không ít người cho rằng, việc loại trừ cái xấu, cái ác không phải là của mình mà thuộc về pháp luật. Họ đã không nghĩ rằng, sự an vui của xã hội là do mọi người cùng chung tay góp sức xây dựng nên.
Mới đây, tại thành phố Đà Nẵng có một việc làm rất mới, rất sáng tạo, đó là tặng quà cho những người chồng năm qua có chuyển biến tích cực trong vấn nạn bạo lực gia đình, mỗi suất trị giá 500.000 đồng và 300.000 đồng cho bất cứ ai tố cáo bạo lực gia đình. Hi vọng tất cả mọi nơi trong cả nước ta ngày càng tìm ra nhiều sáng kiến hơn nữa để tiêu diệt dần bạo lực và tệ nạn xã hội.
Thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể nên mở nhiều diễn đàn trao đổi xung quanh vấn đề an sinh xã hội. Có thể nói, ngành giáo dục và đào tạo là đơn vị đi đầu trong thực hiện sáng kiến này với phong trào “ xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và chỉ sau 2 năm đã cho thấy rõ hiệu quả của nó.
Các đơn vị trường học từ Mầm non đến Đại học cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động giàu ý nghĩa xã hội và nhân văn hơn cả trong dịp Tết đến, Xuân về. Mức thưởng Tết cho giáo viên ở hầu hết các nơi đã cao hơn, nhất là ở thành phố Đà Nẵng, số tiền thưởng Tết ở một số quận huyện có người được nhận đến cả triệu đồng. Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin từ một số giáo viên tại trường THCS Văn Xuôi ở huyện Tu Mơ Rông, một huyện miền núi bị thiệt hại nặng nề do bão lũ năm qua, rằng năm nay là năm đầu tiên họ được nhận số tiền 300.000 đồng ăn Tết.
Hi vọng năm Canh Dần 2010 sẽ là năm diễn ra nhiều sự may mắn tốt đẹp hơn thế và mọi người, mọi nhà đều hạnh phúc, yên vui!
Thúy Hồng