Tết bám bản của giáo viên vùng cao Lai Châu

Ở nơi heo hút miền biên viễn Lai Châu vẫn có hàng nghìn giáo viên gạt đi mong ước đời thường ấy để bám trường, bám lớp...

Tết bám bản của giáo viên vùng cao Lai Châu

Ai cũng có một ước mơ, một khát khao về một cuộc sống tốt hơn, được sum vầy bên gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Thế nhưng, ở nơi heo hút miền biên viễn Lai Châu vẫn có hàng nghìn giáo viên gạt đi mong ước đời thường ấy để bám bản, bám trường, bám lớp. Không phải không có điều kiện về quê ăn Tết cùng gia đình, mà họ ở lại vì nặng tình với bà con dân bản, với học sinh thân yêu.

Như nhiều giáo viên vùng cao khác, Tết này, cô giáo Dương Thị Thanh Nga, quê ở tỉnh Sơn La, giáo viên trường THCS Làng Mô, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu ở lại ăn Tết cùng bà con dân bản. 13 năm công tác trên đỉnh núi mù sương Làng Mô, thì năm nay là năm thứ 12 cô Nga ăn Tết xa gia đình.

tet bam ban cua giao vien vung cao lai chau hinh 1
Cô giáo Nguyễn Thị Hạ, người đã có 16 năm ăn Tết cùng đồng bào xã Làng Mô, huyện biên giới Sìn Hồ bởi nặng tình với bà con dân bản.

Những ngày này, khi học sinh nghỉ Tết về bản, cô Nga cũng đã dọn dẹp xong nhà cửa. Cô cũng đã mua sắm đủ bánh mứt kẹo và có thêm cành đào học sinh tặng để đón Tết.

Cô Nga tâm sự, Tết đến xuân về, khi ở xa, ai cũng nhớ bố mẹ, nhớ người thân trong gia đình, nhưng cô ăn Tết mãi với bà con rồi cũng thành quen. Ngày Tết ở bản tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng bà con và học sinh đều rất tình cảm, gần gũi, có quà bánh gì cũng đều nhớ đến cô, nên cô cũng vơi bớt nỗi buồn. Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, giờ có thêm gia đình riêng ở bản, nên từ lâu cô đã coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.

“Ai cũng thế thôi, xa quê không về được quê ăn Tết thì cũng cảm thấy buồn, như do mình gắn bó ở đây lâu nên là cũng cảm thấy cuộc sống bình thường. Học sinh và bà con dân bản ở đây đều rất là tình cảm. Tết cũng đến nhà thăm hỏi các thầy cô, rồi chúc Tết các thầy cô và cũng có những món quà nho nhỏ. Ví dụ như có cái bành cũng mang đến cho thầy cô để động viên thầy cô gắn bó với trường, với vùng đất này”, cô Nga nói.

Cũng như cô Nga, cô Nguyễn Thị Hạ, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình lên với vùng đất Làng Mô từ năm 1998, khi còn là một giáo viên dạy phổ cập. Hơn 20 năm công tác tại vùng đất này, cô luôn nhận nhiệm vụ "cắm" các bản xa, nơi đồng bào Mông còn nhiều khó khăn. Năm nay là năm thứ 16 cô dạy ở điểm bản Tù Cù Phìn, cách trường trung tâm hơn 5km. Giờ thì đã có gia đình riêng và nhà ở bản, nên nhiều năm rồi cô không về quê ăn Tết.

Cô Nguyễn Thị Hạ chia sẻ:Bố mẹ đẻ cô ở tỉnh Thái Bình, chồng con lại ở tỉnh Điện Biên, một chốn 3 nơi nên mỗi dịp Tết đến, việc sum họp gia đình không phải muốn là có thể làm được. Do đường xá đi lại khó khăn, mỗi người một nơi, nên Tết này chồng con cô ăn Tết với ông bà nội ở Điện Biên, còn cô ở lại ăn Tết ở bản.

Bà con dân bản còn nghèo và khó khăn, nhưng tình cảm đầm ấm lắm nên cũng vơi đi nỗi nhớ nhà: “Tình cảm bà con dân bản dành cho giáo viên nhiều lắm. Cô giáo về bản, mang cái chữ về bản thì bà con dành cho giáo viên những tình cảm rất là quý báu. Ai cũng muốn ăn Tết ở quê hương, nhưng mà do cuộc sống, do công việc và điều kiện hoàn cảnh gia đình, cả nhà cũng phải chấp nhận cuộc sống xa quê. Giờ thì sông đâu cũng quen đấy, đâu cũng là quê hương rồi, ăn Tết ở vùng cao cũng như là quê hương của mình, nó cũng vui chẳng phải buồn gì cả đâu”, cô Hạ bày tỏ.

tet bam ban cua giao vien vung cao lai chau hinh 2
Nhờ những tấm lòng hy sinh vì còn em đồng bào như cô Hạ, cô Nga mà chất lượng giáo dục trên địa bàn xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ những năm qua không ngừng được nâng lên.

Huyện biên giới Sìn Hồ hiện có hơn 2.400 cán bộ, giáo viên và xuân này vẫn có hàng trăm thầy, cô giáo bỏ lại phía sau nỗi nhớ nhà để ở lại bản ăn Tết với đồng bào. Ngoài các giáo viên được giao nhiệm vụ ở lại trực làm công tác vận động học sinh tới trường sau Tết, vẫn có nhiều giáo viên bám bản vì nặng tình với bà con dân bản. Và, những nơi có giáo viên ở lại hầu hết là các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sìn Hồ cho biết, nhận thức về sự học của phụ huynh và học sinh trên địa bàn huyện những năm qua đã được cải thiện, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó trên địa bàn. Tuy nhiên, sau mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, học sinh vẫn thường mải vui nghỉ học ở nhà. Những dịp như thế này nếu không có những giáo viên tâm huyết bám trường, bám lớp làm công tác vận động thì tỷ lệ chuyên cần của học sinh sẽ rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Giang nói: “Giáo viên nữ công tác ở những trường vùng khó rất tâm huyết với nghề, bám trường, bám lớp và hy sinh cái tuổi thanh xuân của mình để phục vụ cho công tác giáo dục. Đối với những giáo viên mà không thể về quê ăn Tết vì nhiều lý do thì ngành giáo dục chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện về thời gian, cũng như là về vật chất để cho các thầy, cô giáo yên tâm. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường hỗ trợ một chút về kinh phí, để cho các thầy, cô giáo ở lại trường đón Tết cảm thấy ấm cúng”.

Đón Tết cùng bà con trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, song mong ước duy nhất của các thầy, cô giáo nơi biên cương Lai Châu là tất cả các em học sinh nơi đây đều được tới trường học tập, để mỗi người sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.