Hiện trên Trái đất chỉ còn hai con tê giác trắng phương Bắc (Ceratotherium simum cottoni). Tuy nhiên, loài sinh vật cận tuyệt chủng này có cơ hội sống sót, mặc dù khá mỏng manh: Hai phôi tê giác trắng được tạo ra trong phòng thí nghiệm có cơ may phát triển đến tuổi trưởng thành, theo một thông báo vừa được đưa ra.
Các nhà nghiên cứu quốc tế đã nỗ lực tìm cách cứu loài tê giác này trong nhiều năm bằng cách sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Họ đã thụ tinh thành công hai trứng của loài tê giác này và sẽ cấy phôi nhân tạo này vào tử cung của những cá thể cuối cùng còn tồn tại.
“Toàn bộ nhóm đã phát triển và lên kế hoạch cho các thủ tục này trong nhiều năm”, Thomas Hildebrandt, nhà sinh vật học của Viện nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz ở Đức cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một cột mốc quan trọng trên con đường đầy chông gai. Cột mốc này cho phép chúng tôi lên kế hoạch cho các bước trong tương lai cho chương trình giải cứu loài tê giác trắng phương Bắc”.
Tê giác trắng phương Bắc có khả năng đã bị tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên từ năm 2007 hoặc 2008. Mặc dù một số lượng nhỏ còn sống trong các sở thú, hầu hết các cá thể còn sống đều đã già hoặc có vấn đề về sức khỏe khiến chúng không thể mang thai.
Năm 2018, con tê giác trắng phía Bắc đực cuối cùng, Sudan, qua đời, khiến tổng số lượng cá thể sống sót của loài này giảm xuống chỉ còn 2 và đều là cái.
Các phôi mới có thể coi hai con tê giác còn sống là mẹ của chúng. Hai con tê giác mẹ, Najin và Fatu, đều được sinh ra tại vườn thú Dvůr Králové ở Cộng hòa Séc và đang sống tại Khu bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya. Cả hai đều không thể mang thai. Najin đã quá già và Fatu có vấn đề về tử cung khiến việc mang thai bất khả thi.
Nhưng vào cuối tháng 8, các nhà khoa học đã thu hoạch thành công trứng từ cả hai con tê giác cái. Sau đó, họ đã sử dụng một quy trình tiên tiến gọi là tiêm tinh trùng nội bào để thụ tinh cho trứng với tinh trùng đông lạnh từ hai cá thể tê giác trắng phương Bắc đực có tên là Suni và Saut (Suni chết vào năm 2014 và Saut chết trong năm 2006).
Trong số 10 quả trứng được thu hoạch, 7 quả thích hợp để thụ tinh, theo một trong những nhà nghiên cứu cùng hợp tác, Cesare Galli, thuộc Phòng thí nghiệm Avantea ở Cremona, Italia tiết lộ.
Cuối cùng, chỉ có 2 trong số 7 quả trưởng thành thành phôi khả thi. Cả hai đều được tạo ra với trứng của Fatu và tinh trùng của Suni. Các phôi hiện đã được đông lạnh để bảo quản cho việc chuyển giao trong tương lai.
Để phôi có thể phát triển thành công, các nhà khoa học vẫn sẽ phải hoàn thiện nghệ thuật chuyển phôi trong tê giác. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ phải tìm một cá thể tê giác trắng phía Nam khỏe mạnh (Ceratotherium simum) hoặc hai để mang thai.
“5 năm trước, có vẻ như việc sản sinh phôi tê giác trắng phương Bắc là mục tiêu gần như không thể thực hiện được - và giờ chúng tôi đã thành công. Thành tựu tuyệt vời này của toàn đội cho phép chúng tôi lạc quan về các bước tiếp theo”, Jan Stejskal - Giám đốc truyền thông và các dự án quốc tế tại sở thú nơi Najin và Fatu được sinh ra cho biết trong tuyên bố.
Tuy nhiên, để thực sự hồi sinh lại loài tê giác trắng phương Bắc, sẽ cần nhiều hơn một vài lần thụ tinh trong ống nghiệm thành công.
Các nhà khoa học chỉ có hai bể chứa trứng sống và tinh trùng lưu trữ từ bốn con tê giác trắng phương Bắc. Điều đó để lại ít sự đa dạng di truyền cho sự hồi sinh của loài. Nhưng các ngân hàng mô có các mô nongamete (có nghĩa là bất kỳ mô nào ngoại trừ tinh trùng và trứng) được lưu trữ từ những cá thể tê giác trắng phương Bắc khác, thứ sẽ mở rộng nhóm gen của loài lên đến 12 con tê giác.
Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu công nghệ tế bào gốc để biến các mẫu mô thông thường này thành tinh trùng và trứng.