Các nhà khoa học đến từ Hiệp hội Động vật học London (ZSL) kiểm tra 17 mẫu vật lưu trữ cũng như mẫu mô từ kỳ giông hoang dã. Họ nhận thấy giữa các nhóm kỳ giông sinh sống ở hệ thống sông hồ và vùng núi khác nhau trên khắp Trung Quốc có sự khác biệt.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Ecology & Evolution mô tả ba loài riêng rẽ.
"Phân tích của chúng tôi hé lộ kỳ giông khổng lồ Trung Quốc phân hóa cách đây từ 2,4 đến 3,1 triệu năm", Samuel Turvey, trưởng nhóm nghiên cứu ở Viện Động vật học của ZSL, cho biết: "Khoảng thời gian này tương ứng với thời kỳ hình thành núi ở Trung Quốc khi cao nguyên Tây Tạng nhô cao nhanh chóng. Điều này có thể khiến các quần thể kỳ giông khổng lồ trở nên tách biệt, dẫn tới sự tiến hóa của những loài riêng rẽ ở địa hình khác nhau".
Hai trong số ba loài mới có tên Andrias davidianus và Andrias sligoi trong khi loài còn lại chưa được đặt tên. Andrias sligoi, hay kỳ giông khổng lồ Nam Trung Quốc, có kích thước lớn nhất, có thể dài tới hai mét.
Do kỳ giông khổng lồ Trung Quốc vốn đã được coi là động vật lưỡng cư lớn nhất thế giới, loài mới nhận dạng càng củng cố thêm danh hiệu này.
Vào thập niên 1920, các nhà khoa học đề xuất Andrias sligoi là loài riêng biệt dựa trên mẫu vật sinh sống ở vườn thú London. Ở thời điểm đó, giả thuyết bị bác bỏ, nhưng giờ đây nghiên cứu của Turvey và cộng sự đã cung cấp bằng chứng xác nhận.
Nhóm nghiên cứu ZSL dựa vào xác mẫu vật kỳ giông được bảo quản ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London để mô tả loài mới.
Kỳ giông khổng lồ Trung Quốc từng sinh sống phổ biến ở khu vực rộng lớn trải khắp miền trung và phía đông nam nước này. Tuy nhiên, chúng đang trải qua sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây do được coi như món ăn xa xỉ, kéo theo nhu cầu săn bắt cao.
Hiện nay, kỳ giông khổng lồ Trung Quốc nằm trong danh mục "cực kỳ nguy cấp" của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.