Tàu thăm dò Trung Quốc "Tianwen-1" gửi hình ảnh đầu tiên về sao Hỏa

GD&TĐ - Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết, con tàu nằm cách sao Hỏa khoảng 1,1 triệu km và cách Trái đất khoảng 184 triệu km.

Hình ảnh đầu tiên về sao Hỏa do tàu thăm dò “Tianwen-1” chụp.
Hình ảnh đầu tiên về sao Hỏa do tàu thăm dò “Tianwen-1” chụp.

Tàu vũ trụ không người lái của Trung Quốc "Tianwen-1" đã thực hiện thành công lần điều chỉnh chuyển động thứ tư trên đường tới sao Hỏa. Hiện, nó nằm cách hành tinh Đỏ khoảng 1,1 triệu km và cách Trái đất 184 triệu km, Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc đưa tin hôm thứ Sáu.

Theo đó, tàu thăm dò đã điều chỉnh lộ trình vào khoảng 20:00 giờ (giờ Bắc Kinh). Thiết bị đã tuần tự thực hiện các lần điều hướng trước vào các ngày 2/8, 20/9 và 28/10 năm ngoái. Tất cả các hệ thống của con tàu đều hoạt động bình thường.

Trước khi thực hiện lần điều chỉnh thứ tư, tàu thăm dò đã chụp hình ảnh đầu tiên của Sao Hỏa và gửi về trung tâm chỉ huy mặt đất. Hình ảnh đen trắng chụp Đồng bằng Acidalian, Đồng bằng Chryse, Cao nguyên Meridiana, Miệng núi lửa Schiaparelli và Thung lũng Mariner.

Thiết bị đã đi được quãng đường 465 triệu km. Theo các báo cáo trước, quỹ đạo tới sao Hỏa của tàu thăm dò không phải là một đường thẳng mà là một cung tròn. Đó là lý do tại sao khoảng cách từ thiết bị đến Trái đất nhỏ hơn con đường thực tế mà nó đã đi tới Hành tinh Đỏ.

Tàu vũ trụ “Tianwen-1” được phóng vào ngày 23/7/2020, sử dụng tên lửa đẩy “Changzheng-5” từ bãi phóng Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc.

Theo dự kiến, vào giữa tháng 2, tàu thăm dò sẽ tiếp cận sao Hỏa. Thiết bị bao gồm một tàu đổ bộ nặng 1,3 tấn và một trạm quĩ đạo nặng 3,7 tấn, cùng với đó là 13 dụng cụ đo lường hiện đại.

Các mục tiêu khoa học của sứ mệnh không gian này là nghiên cứu hình thái và đặc điểm địa chất của bề mặt sao Hỏa, tìm kiếm trầm tích của băng và đá trầm tích, nghiên cứu tầng điện ly, từ trường và cấu trúc bên trong của hành tinh Đỏ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc đã hợp tác với Cơ quan Vũ trụ của Châu Âu, Pháp, Áo và Argentina.

Theo TASS.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ