Giữa mùa dịch bệnh, cộng đồng quốc tế đang rất cần sự hợp tác và chia sẻ để cùng nhau chống kẻ thù chung của nhân loại là dịch Covid-19 thì Trung Quốc đã làm ngược lại. Hành động ấy của họ được núp dưới lớp vỏ “bảo vệ lãnh hải”, và “tàu cá Việt Nam đã đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc” chứ họ không phải là kẻ vô cớ vây đuổi và bắt giữ ngư dân Việt Nam.
Khoan nói đến chủ quyền lãnh hải quốc gia ở Hoàng Sa đã là của Việt Nam được xác lập từ hơn 300 năm trước mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, hành động không một chút tình người trong lúc hoạn nạn một lần nữa nói lên bản chất hiếu chiến và tham tàn của họ. Đổi trắng thay đen, gắp lửa bỏ tay người đã thành cố tật. Chúng ta không lạ gì trò vu vạ này, chỉ lạ một điều là, tại sao hành động đó lại xảy ra trong lúc cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam vừa chìa tay chia sẻ cùng họ sớm thoát khỏi dịch bệnh?
Cũng cần nhắc lại rằng, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa từ bao đời nay trở thành ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân Quảng Ngãi. Chúng ta có hẳn một “bảo tàng sống” về chủ quyền quốc gia tại Hoàng Sa thông qua ký ức của bao lớp người Quảng Ngãi, nhất là người Lý Sơn - nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật liên quan đến quần đảo này. Người Lý Sơn có hẳn một lễ hội - Lễ khao lề thế lính - liên quan đến những chuyến hải hành bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước. Vì vậy, Hoàng Sa vừa là ngư trường thân thuộc lại vừa là chỗ ra vào ngôi nhà của mình đối với ngư dân Quảng Ngãi, không một thế lực nào có thể nói khác được điều hiển nhiên đó.
Không phải đây là lần đầu tiên ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc xua đuổi bắt bớ khi họ hoạt động khai thác hải sản một cách hòa bình tại ngư trường quen thuộc Hoàng Sa. Những cuộc vây đuổi, bố ráp bằng những phương tiện hiện đại của hải giám Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đối với ngư dân Việt Nam mỗi khi họ đánh bắt hải sản tại Hoàng Sa. Và, cứ sau mỗi lần như thế, người Việt Nam lại bị tổn thương và phẫn uất trước những hành động ngang ngược trắng trợn của phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, không thể mang tàu sắt, tàu đồng ra dọa nạt để làm nhụt chí ngư dân Việt Nam được. Sau mỗi mất mát đớn đau, những ngư phủ của chúng ta lại siết chặt tay nhau để rồi những con tàu lại nhắm hướng Hoàng Sa - Trường Sa trực chỉ. Sinh nhai của nhiều thế hệ ngư dân Việt Nam đều nằm ở đó. Tổ quốc cũng chính là nơi đó.
Như sau giông bão, tàu lại ra khơi. Hàng triệu ánh mắt người Việt đang dõi theo từng con sóng của họ.