Khẳng định, Luật Giáo dục không thể đứng một mình, nó phải đi cùng với nhiều luật, Phó Thủ tướng nói, hiện nay đã có các nghị định quy định rất rõ trách nhiệm tỉnh làm gì, huyện làm gì trong giáo dục phổ thông.
Bây giờ xem có cần nâng quy định nào từ Chính phủ lên luật hay không. Đến nay chúng ta vẫn có hệ thống tương đối ổn định. Hàng năm, hàng kỳ khi có gì bất cập thì vẫn rà soát sửa nghị định. Những vấn đề đó cơ bản đã được tiếp thu.
Trao đổi về vấn đề sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dù có ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn có Hội đồng quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải quyết định phê duyệt có cho sử dụng sách giáo khoa đó hay không. Về bản chất, tất cả sách giáo khoa sau này đều chính thống và có tầm quốc gia, trách nhiệm thuộc về đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
“Trước đây có một quyển hay một bộ thì bây giờ có nhiều quyển, nhiều bộ, nhưng cuối cùng vẫn là Bộ trưởng chịu trách nhiệm, điều đó rõ trong luật, chúng ta chỉ cần giải trình cho rõ” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày xưa chỉ có một bộ sách giáo khoa, ấn định tất cả phải dạy giống y như thế. Sau này mình định hướng là có một phần giao cho các địa phương, quy định các nội dung ở một số môn học.
Tất cả những điều này, cùng với xu thế của thế giới, người ta không nhất thiết dựa vào sách giáo khoa nữa mà dựa vào chương trình chi tiết, nó giống như một đề cương chi tiết, chúng ta duyệt đề cương chi tiết rồi, còn lời văn như thế nào thì có thể có nhiều cách viết khác nhau. Xu thế đó đã được bàn ở Nghị quyết 29.
Phó Thủ tướng đề nghị, cơ bản như thế giới tiến tới không ấn định chỉ có một bộ sách giáo khoa. Nó tương tự như chúng ta hiểu sáng tạo ra một bài văn, mình chỉ duyệt đề cương chi tiết, còn lời lẽ bài văn tùy từng nơi, nhưng cuối cùng vẫn có người duyệt bài văn đó.
Ví dụ như Lịch sử, người ta có thể sắp xếp thứ tự dạy người này trước, người này sau, hay về một nhân vật người ta có thể chọn nhiều câu chuyện khác nhau nhưng vẫn thể hiện đúng bản chất của nhân vật đó và Bộ trưởng vẫn duyệt.
Đồng tình với quan điểm, sách giáo khoa bây giờ xã hội rất quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu với cả nước thì nó là khoản chi không lớn nhưng với từng gia đình một, nhất là những người nông dân, người nghèo thì cũng là một khoản chi đáng kể. Cho nên phải có cách làm sao để sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm.
“Tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, quy định cứng hơn về trách nhiệm của Bộ trưởng liên quan đến sách giáo khoa, nhằm sử dụng tiết kiệm cho toàn xã hội. Tinh thần như vậy, xin các đồng chí giao cho anh em tiếp thu và làm rõ chỗ này” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đồng thời trao đổi thêm.
Một số điểm khác như: đồng bào dân tộc thiểu số hay bảo vệ trẻ em, các ý kiến góp ý rất đúng, chúng ta sẽ xem lại từng điều một. Tinh thần là, Luật này có và các luật khác cũng có, sao cho đồng bộ với nhau.