Cùng con sắm sửa
Theo ghi nhận tại các cửa hàng sách vở, văn phòng phẩm trên phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khách ra vào tấp nập, chủ yếu là mua đồ dùng học tập của học sinh. Chị Dương Thị Ánh Ngọc có 2 con trai đang học tại Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nên chị phải liệt kê các vật dụng cần mua ra một tờ giấy để không bị quên. Cầm trên tay tờ giấy danh sách, chị Ngọc nhẩm tính hết hơn 3 triệu đồng. Chị dự định, dành cuối tuần chở 2 con đi mua giày, dép quai hậu và một vài bộ quần áo nữa là hoàn tất việc mua sắm cho con trước khi bước vào năm học mới.
“Tuy có tốn kém, vất vả nhưng chỉ cần các con vui, tự giác trong học tập là tôi mãn nguyện. Thực ra, tôi có thể đi mua sắm một mình, nhưng tôi muốn chở các con cùng đi để chúng cảm nhận được không khí chuẩn bị cho năm học và thấy được sự quan tâm, đồng hành của bố mẹ dành cho con trên con đường học tập. Hơn nữa, 2 năm học trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên mấy mẹ con không được đi mua sắm được trước thềm năm học mới. Năm nay, ba mẹ con đi bù, nên ai nấy đều hồ hởi, thích thú”, chị Ngọc chia vui.
Được ngày nghỉ Chủ nhật, chị Ngô Thị Luân và con gái ở xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) tranh thủ đi mua sắm chuẩn bị cho ngày tựu trường và bước vào năm học mới. Chị Luân cho hay, hai mẹ con đã liệt kê danh sách những thứ cần mua từ sách vở, bút mực, đồ dùng học tập cho đến quần áo, giày dép… nhẩm tính cũng trên dưới 2 triệu đồng.
“Con gái tôi năm nay vào lớp 12 nên chi phí cho học tập có phần tốn kém hơn. Nhà không có điều kiện để mua sắm một lần nên tôi phải chia thành nhiều đợt khác nhau, mỗi lần mua một ít. Kiểu gì cũng phải trang bị đầy đủ để con bằng bạn bè và học tập trong điều kiện tốt nhất có thể” – chị Luân bộc bạch và cho biết, đã sắm sửa đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con gái. Nay chỉ mua bổ sung những vật dụng còn thiếu và thêm 1 - 2 bộ quần áo là hoàn tất việc mua sắm chuẩn bị cho năm học mới.
Chị Hoàng Thị Hằng – chủ cửa hàng thiết bị, đồ dùng của học sinh ở xã Đông Sơn (Đông Hưng, Thái Bình) - cho biết, từ đầu tháng 8, phụ huynh tấp nập mua sắm đồ dùng, thiết bị học tập cho con em. Sức mua gấp chục lần so với những tháng trước và tăng 4 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình có đến hàng trăm lượt khách là phụ huynh, học sinh đến mua sắm tại cửa hàng. Khách mua chủ yếu các vật dụng, đồ dùng phục vụ cho học tập. Vì thế, hầu như ngày nào chị cũng phải bổ sung nguồn hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của học sinh, phụ huynh trước thềm năm học mới.
Để chia sẻ gánh nặng với các phụ huynh nông thôn, chị Hằng cũng có nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá khi phụ huynh mua hàng. Có phụ huynh, chị giảm giá tiền, nhiều gia đình khó khăn, chị sẵn sàng cho nợ để họ có đủ điều kiện mua sắm sách, vở, cặp sách, đồ dùng học tập… cho con kịp ngày tựu trường.
Nhiều học sinh chủ động mua sắm sách vở, đồ dùng học tập trước khi vào năm học mới. |
Tránh dư thừa, lãng phí
Bên cạnh một số phụ huynh cùng con đi mua sắm, nhiều học sinh cấp THCS, THPT cũng chủ động tự sắm sửa cho mình những đồ dùng cần thiết trước khi bước vào năm học mới. Trần Minh Phương – học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) đã dành nguyên một ngày Chủ nhật để mua sắm tất cả những thứ cần thiết phục vụ cho học tập, từ vở viết, thước, bút các loại… cho đến cặp sách, giày dép. “Trước đó, hai mẹ con em cũng kịp đi may đo một bộ áo dài để có thể mặc trong ngày khai giảng hoặc những dịp trọng đại như: Chụp kỉ yếu, lễ trưởng thành, tốt nghiệp ra trường….”, Minh Phương bộc bạch.
Theo Minh Phương, chỉ mình mới biết đang thiếu gì và cần bổ sung những gì trong học tập. Vì thế, việc mua sắm này em hoàn toàn có thể chủ động được. Khi cần có thể tham khảo và xin ý kiến của bố mẹ, tránh lãng phí. “Tự mình mua sắm cũng là cách giúp em có trách nhiệm giữ gìn và trân quý đồ dùng mà mình đã lựa chọn”, Minh Phương chia sẻ.
Trước khi bước vào năm học mới, Nguyễn Mạnh Tuấn – học sinh lớp 12 của Trường THPT chuyên Thái Bình đã kịp mua cho mình đôi giày thể thao và một chiếc balo mới. Nam sinh đã có đầy đủ máy tính cầm tay, tẩy, thước, hộp bút…. Với Tuấn, đây là lần đầu tiên được tự tay mua sắm đồ dùng cá nhân và các thiết bị, đồ dùng học tập. Tuấn cảm thấy trưởng thành hơn và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. “Em sẽ sử dụng các thiết bị, đồ dùng học tập một cách hữu ích và quyết tâm học tốt để bước vào giảng đường đại học mà em mơ ước” – Mạnh Tuấn bộc bạch.
Theo cô Phạm Thị Nhung – giáo viên Trường Tiểu học Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên), mua sắm đồ dùng học tập cho con em mình trước khi vào năm học mới là điều cần thiết. Tuy nhiên, phụ huynh, học sinh không nên nghe người nọ khuyên, người kia tư vấn dẫn đến mua dư thừa nhiều thứ không cần thiết, gây lãng phí. Việc mua quá nhiều đồ dùng có khi còn phản tác dụng. Vô hình trung tạo cho trẻ thói quen không tốt, không biết tiết kiệm đồ dùng; các em sẽ dùng thoải mái vì trong nhà luôn sẵn. “Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của giáo viên để mua những vật dụng cần và vừa đủ cho con em mình. Khi hết mới mua bổ sung, đừng để sự dư thừa. Điều đó là không cần thiết”, cô Nhung tư vấn.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, tùy theo độ tuổi và lớp đang học, phụ huynh chỉ nên mua vừa đủ số lượng cho các con. Đồng thời, luôn nhắc nhở trẻ cẩn thận, giữ gìn đồ dùng và tạo cho các em thói quen tiết kiệm. Hơn nữa, nếu đồ dùng năm trước vẫn còn sử dụng được thì nên cho con em mình sử dụng lại, tránh lãng phí. Bố mẹ cũng có thể cùng con đi mua sắm, việc này không chỉ tạo sự gắn kết trong gia đình, mà còn giúp trẻ phát triển kỹ năng mềm và thấy được sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ. Từ đó các em sẽ có động lực để phấn đấu trong học tập.
“Cha mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Nhưng trước khi sắm sửa, phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, thảo luận với các con để cùng thống nhất việc mua sắm những đồ dùng phù hợp, có ý nghĩa thiết thực trong học tập, tránh mua quá nhiều hoặc những thứ không cần thiết, gây lãng phí”. - Cô Phạm Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên)