Tất bật gặt lúa chạy lũ

GD&TĐ - Năm nay, nước lũ từ thượng nguồn về sớm đã gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân ở các tỉnh rốn lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Trên những cánh đồng lúa ngoài đê bao bà con đang tất bật thu hoạch chạy lũ, tuy nhiên mực nước dâng cao đã gây nhiều thiệt hại…

Người dân cùng lực lượng bộ đội, dân quân bảo vệ đê bao và thu hoạch lúa bị thiệt hại do lũ
Người dân cùng lực lượng bộ đội, dân quân bảo vệ đê bao và thu hoạch lúa bị thiệt hại do lũ

“Trở tay không kịp” với nước lũ

Ông Nguyễn Văn Oanh, 67 tuổi ở ấp Vĩnh Quới, xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, An Giang) đang có 5 ha lúa còn hai tuần nữa thu hoạch nhưng bị chìm trong nước. “Nước lên đột ngột, cò lúa kêu gặt lúa non đi được nhiêu hay bấy nhiêu, bán gỡ gạt chút đỉnh. Nghe vậy, tôi thuê người dân đi gặt được chục công, rồi đem đi sấy cũng được 30 chục bao lúa đem về chất đống trong nhà. Tuy nhiên, đến nay không ai hỏi mua”, ông Oanh than thở.

Theo lời ông Oanh, hằng năm đến tháng 8 âm lịch nước mới tràn đồng, khi đó người dân đã thu hoạch xong lúa, ít nhất cũng trước nửa tháng. “Mấy chục năm sống ở xứ này chưa năm nào làm lúa bị lũ nhấn chìm. Giờ bị lỗ cả trăm triệu không biết lấy tiền đâu trả nợ”.

Ông Nguyễn Văn Em ở ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn, An Giang) có 3 ha đất trồng lúa vừa thuê máy xúc gia cố xong đê bao hết gần 40 triệu nhưng chỉ trong một đêm nước nhấn chìm hết sạch.

Chạy dọc kênh Vĩnh Tế đoạn thuộc xã Lạc Quới và Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn, An Giang) đi đâu cũng thấy cảnh người dân cấp tập thu hoạch lúa chạy lũ. Một số hộ dân bỏ công ra thu hoạch lúa bị chìm trong nước lũ.

Căng mình gia cố đê bao

Ông Võ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lạc Quới (huyện Tri tôn, An Giang), cho biết: Mấy ngày nay địa phương huy động trên 700 người gồm lực lượng bộ đội, biên phòng, dân quân tự vệ cùng người dân căng mình gia cố đê bao; đồng thời tích cực ngày đêm tuần tra đề phòng sự cố vỡ đê để bảo vệ hơn nghìn ha lúa. Theo ông Tuấn, năm nay lũ về sớm hơn mọi năm gần cả tháng, đồng thời mực nước lên nhanh và cao hơn cùng kỳ gây khó khăn trong công tác bảo vệ, đặc biệt là khu vực ngoài đê bao.

Ông Tuấn cho biết thêm, trong chiều 29/8, xã cũng huy động thêm máy cuốc và hàng chục người tiếp tục gia cố đê bao tiểu vùng Vĩnh Quới - Vĩnh Phú.

Ông Lương Huy Khanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang cho biết, hiện nay nước lũ lên nhanh ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông sản xuất ở vùng ngoài đê bao giáp Campuchia, điển hình như trên địa bàn huyện Tri Tôn. Theo ông Khanh, địa phương đang chủ động huy động lực lượng gia cố đê bao và bơm rút nước ra. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ để chủ động ứng phó.

Khoảng 2 tuần gần đây, nước lũ từ phía Campuchia đổ về rất mạnh, nước lên nhanh hơn 0,1m mỗi ngày làm cho nông dân vô cùng lo lắng. Khi đó, bà con trong khu vực này đã đầu tư gần 130 triệu đồng để thuê xe cơ giới gia cố đê bao cố gắng bảo vệ lúa. Thế nhưng, nước lũ quá cao đã khiến bờ bao bị vỡ gây ngập lúa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.