Theo ghi nhận, hiện nay, mực nước sông Bưởi vẫn đang lên cao, mỗi giờ lên từ 2-3 cm, dự tính sẽ đạt đỉnh lũ vào tối 12-10. Đến nay, hàng nghìn nhà dân ở huyện Thạch Thành đã bị ngập nước lũ từ 1-3m; hàng nghìn héc ta cây trồng vụ đông, rau đậu các loại, mía nguyên liệu bị thiệt hại nặng nề. Hơn 3.000 hộ dân (13.000 nhân khẩu) ở các xã ven sông Bưởi đã sơ tán đến nơi an toàn tại các trường học, công sở, nhà người quen. Số người dân ở nơi sơ tán được xã, huyện cấp phát mì ăn liền, nước uống, lương khô…
Nước lũ sông Bưởi lên cao đã làm 15/28 xã, thị trấn của huyện Thạch Thành bị cô lập với trung tâm huyện. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn huyện đã bị ngập, chia cắt như: quốc lộ 217, quốc lộ 45, tỉnh lộ 516, tỉnh 523. Huyện Thạch Thành hiện nay đang bị chia cắt với các tuyến đường về TP Thanh Hóa và các huyện lân cận.
Bà Phan Thị Đào (60 tuổi, trú tại thôn 1, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành) cho biết: “Đêm ngày 11/10, nước lũ sông Bưởi về nhanh quá, nên chúng tôi chỉ chạy được người. Nhiều tài sản trong nhà đang chìm trong nước lũ. Sau khi nước lũ rút ra, mỗi gia đình bị ngập lụt lại mất hàng chục triệu đồng để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm đồ dùng thiết yếu do lũ lụt tàn phá”.
Hiện nay, người dân các xã vùng lũ huyện Thạch Thành đi lại chủ yều bằng thuyền nan. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã huy động lực lượng túc trực, tuần tra, canh gác các hồ đập lớn có nguy cơ mất an toàn cao. Để cứu trợ người dân, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Thạch Thành và các phòng, ban chức năng đã trực tiếp cấp phát hơn 1.000 thùng mỳ ăn liền, 1.500 lít nước uống và 350 suất nhu yếu phẩm thiết yếu (gồm lương khô, bột giặt, muối ăn…) cho người dân vùng lũ ở các xã Thành Kim, Thạch Định, Thành Mỹ…
Tại huyện Vĩnh Lộc, hàng trăm nhà dân bị ngập nước lũ, chủ yếu ở xã Vĩnh Hưng, do ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt sông Bưởi, sông Mã. Lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc cũng đã đến với đồng bào vùng lũ ở xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Yên, Vĩnh Long, Vĩnh Quang,Vĩnh Hòa cấp phát gần 1.000 thùng mì ăn liền và hàng trăm thùng nước uống tinh khiết cùng nhiều đồ dùng thiết yếu cho người dân.
Tại huyện Yên Định, mưa lớn cũng gây ngập lụt nặng. Một số xã bị ngập lụt sâu như: Yên Thọ, Yên Giang… Tại nhiều điểm giao thông bị ngập lụt sâu, một số chủ xe tải đã mở dịch vụ trở người và phương tiện vượt qua điểm ngập nước. Những người mở dịch vụ này đã lấy giá khá cao với mức từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng/ người, xe máy; còn ô tô con thì giá 200 nghìn đến 250 nghìn đồng/chiếc.
Một số hình ảnh trong vùng ngập lũ