Trưa 13/10, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa - ông Lê Xuân Đào thông tin, đoạn đê bị vỡ là đê bao của tiêu nội đồng nên không gây thiệt hại nhiều cho người dân địa phương. Nước sông không lớn, do lũ đã rút nên không phải di dân. Công tác khắc phục đê hiện đang được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành.
Theo đó, gần 1h sáng nay 13/10, một đoạn đê bao của sông Mâu Khê, chảy qua xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã bị vỡ. Ngay lúc đó, lực lượng chức năng đã thông báo đến nhân dân quanh khu vực về việc đê bao sông Mâu Khê ở xã Thiệu Duy bị vỡ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân chỉ kịp lo chạy người, tài sản như lợn, gà, thóc và áo cá thì không di chuyển kịp do nước lũ dâng trong đêm.
Hiện đoạn đê bao đang được lực lượng chức năng tiến hành khẩn trương khắc phục, mực nước tại sông Mậu Khê không lớn và chưa gây thiệt hại đáng kể.
Tính đến nay, mưa lũ lớn trong nhiều ngày qua khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ngập nặng, khiến 11 người chết và mất tích cùng thiệt hại nhiều tài sản. Hàng vạn người dân đang gặp khó khăn bởi nhiều vùng chìm trong nước lũ và bị cô lập.
Một diễn biến khác về tình hình mưa lũ, tại Hòa Bình, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tính đến 7 giờ ngày 13/10, toàn tỉnh có 41 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ, sạt lở đất, trong đó 32 người chết, mất tích và 9 người bị thương. Lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất.
Riêng điểm sạt lở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, lực lượng chức năng huy động khoảng 300 người và máy móc khẩn cấp tham gia cứu hộ, tìm người mất tích.
Ông Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc (tỉnh Hoà Bình), cho biết đã dừng tìm kiếm 10 người còn lại trong trận sạt lở tại xóm Khanh do nguy cơ tiếp tục lở ở thác Khanh. Đồng thời, UBND huyện đã hỗ trợ cho mỗi nạn nhân 5 triệu đồng, UBND huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/người và hỗ trợ các gia đình nạn nhân việc lo hậu sự.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hòa Bình đã cứu hộ và di dời 990 hộ dân đến nơi an toàn; 10.000 ha bị ngập hoàn toàn; khoảng 540 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị lũ cuốn trôi.