Tăng cường kiểm tra, cọ xát
Năm học 2022-2023, Hà Nội có hơn 89.000 học sinh lớp 12 đang học tại các trường THPT và hơn 13.000 học viên lớp 12 theo học tại các trung tâm GDNN-GDTX. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào cuối tháng 6 tới, hiệu trưởng và giáo viên các trường đều vào cuộc với quyết tâm cao bởi đây là kỳ thi rất quan trọng không chỉ với học sinh mà còn là thước đo chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường.
Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết, nhà trường có hơn 600 học sinh lớp 12, hầu hết trong số này đều sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học. Vì vậy, việc ôn tập kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài thi được tất cả giáo viên dốc sức triển khai.
Yêu cầu của ban giám hiệu nhà trường với giáo viên là ôn tập sát theo nhóm đối tượng, quan tâm bồi dưỡng học sinh khá, giỏi để các em có cơ hội trúng tuyển đại học ở các trường tốp cao; hỗ trợ, phụ đạo học sinh từ trung bình trở xuống để các em đủ điều kiện tốt nghiệp.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) chia sẻ, nhà trường bám sát chương trình, trọng tâm là lớp 12 và theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đồng thời chú ý phân hóa năng lực học sinh để bảo đảm phù hợp với năng lực, không gây quá tải.
Với phương châm không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhà trường tổ chức ôn tập bằng nhiều cách. Với các giờ học trên lớp, giáo viên củng cố, khắc sâu kiến thức trọng tâm, hệ thống hóa kiến thức, tập trung vào ba môn bắt buộc của kỳ thi là toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Cùng với đó là các lớp học các môn trong tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội do học sinh lựa chọn
Thời điểm này, 16 cụm trường THPT trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác chấm bài khảo sát theo đề chung của Sở GD&ĐT Hà Nội đối với học sinh lớp 12 toàn thành phố. Kỳ khảo sát đã diễn ra trong các ngày 7 và 8/4 với các bài thi tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo thầy Hoàng Đình Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín), bên cạnh việc tập dượt kỹ năng làm bài và quy chế thi tương tự như ở kỳ thi thật, đây còn là dịp để nhà trường nắm được mức độ đáp ứng của học sinh theo “thước đo chung”.
Từ đó có kế hoạch ôn tập phù hợp trong khoảng thời gian còn lại của năm học, quan tâm theo sát học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, cố gắng không để các em bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) ở bất kỳ bài thi, môn thi nào. Từ nay đến trước kỳ thi, dự kiến, học sinh sẽ có 3 đợt kiểm tra nữa.
Còn thầy Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) cho biết, thời điểm này, học sinh lớp 12 đã cơ bản hoàn thành chương trình học và tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhà trường đã phân công giáo viên theo sát để giúp đỡ những học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, mở lớp riêng ở từng bộ môn, từng đối tượng để tạo thuận lợi tối đa cho học sinh trong quá trình ôn tập.
Học sinh Hà Nội tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. |
Quyết tâm cải thiện thứ hạng
Với mục tiêu nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thời điểm này, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX bên cạnh việc tập trung dạy học đúng, đủ chương trình, cần quan tâm kiểm tra, giám sát chất lượng ôn tập đối với học sinh lớp 12.
Các nhà trường có trách nhiệm quan tâm nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh thường xuyên; thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh trong việc lựa chọn, đăng ký môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông phù hợp với năng lực, có giải pháp hỗ trợ đối với học sinh yếu, kém, học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Bày tỏ quyết tâm cố gắng cải thiện chất lượng dạy học, thầy Hoàng Chí Sỹ- Hiệu trưởng Trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cho biết, nhiều học sinh của trường ở miền núi, gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa nên ở một mình hoặc ở với ông bà. Vì vậy, ngoài các giải pháp chung như các trường bạn, nhà trường tập trung các nguồn lực hỗ trợ; phân công giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình từng học sinh, phụ đạo học sinh yếu, kém theo từng môn.
Trong khi đó, thầy Dương Mạnh Hải - Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (huyện Đông Anh) cho biết, kinh nghiệm duy trì tỷ lệ tốt nghiệp trên 98% ở một trường có “đầu vào” thấp là phải lọc ra học sinh yếu, kém và kiên trì hỗ trợ. Sau khi có kết quả khảo sát, nhà trường tiếp tục phân nhóm đối tượng, phụ đạo riêng cho những học sinh có điểm thấp theo từng môn.
Những học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp tiếp tục được hỗ trợ, ưu tiên về mọi mặt. Để khích lệ việc dạy học, phụ đạo học sinh yếu, kém, nhà trường có phần thưởng cho giáo viên của lớp không có điểm liệt, hoặc có điểm trung bình các môn thi năm sau cao hơn năm trước.
Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của thành phố đạt 99,45%, vẫn ở vị trí khiêm tốn - xếp thứ 27/64 tỉnh, thành phố. Để cải thiện điều này, Sở đã họp với 70 trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất để các trường chia sẻ, thảo luận, thống nhất giải pháp, đặc biệt trong việc phụ đạo học sinh yếu, kém.
“Các trường cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, tạo điều kiện tối đa giúp học sinh ôn tập hiệu quả, song không được gây áp lực; có giải pháp hỗ trợ học sinh yếu, kém, học sinh gặp khó khăn trong học tập. Ngoài ra, các trường cũng cần tổ chức xếp loại học sinh chặt chẽ, kiên quyết không để học sinh không đủ điều kiện vẫn hoàn tất hồ sơ để được dự thi” - ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.