Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về nhà ở cho công nhân

GD&TĐ - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Tại kỳ họp bất thường kỳ họp thứ nhất, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Điều này nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đối với mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh, đa số ý kiến thống nhất với Tờ trình về tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Tuy nhiên, cần rà soát, ưu tiên nguồn lực cho các dự án đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, có thể thực hiện và giải ngân ngay. Bổ sung giải pháp đầu tư phát triển con người, cơ chế huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào hoạt động đầu tư nâng cao năng lực y tế.

Đối với lao động, việc làm và an sinh, xã hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức. Bổ sung chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công tại các địa phương.

Các dự án đầu tư nâng cao năng lực cho các Trung tâm dịch vụ việc làm, trường cao đẳng nghề chất lượng cao... cần báo cáo rõ mức độ chuẩn bị đầu tư, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Rà soát đúng đối tượng, đúng tiêu chí đối với Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội. Từ đó tăng cường cơ chế, chính sách liên quan đến người di cư, đặc biệt là các điều kiện thiết yếu.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế tán thành tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng đề nghị ưu tiên từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, phải gắn với thúc đẩy chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo. Cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, nguồn nhân lực, tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có khả năng phục hồi nhanh và hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư chuyển đổi số và chỉ đưa vào các dự án có tính lan tỏa và hỗ trợ cải thiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, cần giải quyết ngay các vướng mắc trong quy định về việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, Uỷ ban Kinh tế đề nghị giải trình, làm rõ hơn đối với nguồn vốn đầu tư công còn thiếu để đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án trong danh mục đề xuất, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ bố trí vốn năm 2022-2023 cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch), có khả năng thực hiện, giải ngân để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đối với cải cách thể chế, Uỷ ban Kinh tế đề nghị bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có trọng tâm. Cần khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023. Sớm tổng kết các quy định pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ