Để công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ sát thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quy định về đối tượng xoá mù chữ, phổ cập trung học và nghề, phần mềm xoá mù chữ... còn nhiều bất cập từ thực tiễn cần được sửa đổi, bổ sung.

Học trò Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vĩ, Hải Phòng
Học trò Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vĩ, Hải Phòng

Bất cập từ thực tiễn

Năm học 2022-2023, huyện An Lão, TP Hải Phòng có 17 trường Mầm non công lập, 20 cơ sở tư thục đã được cấp phép với 305 nhóm lớp với tổng 7276 cháu, trong đó số trẻ 5 tuổi là 74 lớp với 2364 cháu; 15 trường Tiểu học với 402 lớp, 13198 học sinh; THCS có 17 trường, với 253 lớp 10360 học sinh; 1 Trung tâm GDNN-GDTX, 17 Trung tâm Học tập cộng đồng.

Được sự quan tâm của cấp ngành, các địa phương trên toàn huyện đã kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập của địa phương, trong đó Hiệu trưởng trường THCS là Phó ban thường trực.

Ban chỉ đạo triển khai kế hoạch, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, phân công việc điều tra theo từng thôn, xóm; ghi phiếu; nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm Phổ cập Giáo dục.

Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các xã, thị trấn thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp về công tác phổ cập, xóa mù chữ bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội nghị, hội thảo, chuyên đề, các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện cho các lực lượng xã hội, các bậc phụ huynh và toàn xã hội tham gia phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Kết quả, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; Ở bậc Tiểu học, 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mức độ 3; 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ Mức độ 2. Đánh giá chung theo Nghị định 20/NĐ-CP huyện An Lão đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học Mức độ 3; Chuẩn giáo dục xóa mù chữ Mức độ 2.

Bên cạnh đó, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS Mức độ 3; 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Đánh giá chung theo Nghị định 20/NĐ-CP huyện An Lão đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS Mức độ 3.

Căn cứ theo các quy định, huyện An Lão Đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học và Nghề.

Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù tại nhiều địa phương đạt kết quả cao (ảnh minh hoạ).

Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù tại nhiều địa phương đạt kết quả cao (ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên theo ông Vũ Trọng Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão, năm 2022, công tác điều tra, thu thập số liệu dân số độ tuổi ở các địa phương của ngành GD&ĐT cũng như các địa phương gặp rất nhiều khó khăn;

Công tác tham mưu, chỉ đạo ở một số xã, thị trấn gián đoạn, phó mặc cho các nhà trường; Sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội chưa mạnh mẽ, quyết liệt;

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ chưa đầy đủ nên vào cuộc chưa mạnh mẽ;

Vẫn còn một số đơn vị cơ sở vật chất chưa thực sự đáp ứng yêu cầu dạy và học; Thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học hiện đại;

Việc phát triển các khu công nghiệp giày da, dệt may... ở ngoại thành đã thu hút nhiều lao động trong độ tuổi không cần qua đào tạo nghề tạo sức ép về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ...

Theo quan điểm của phòng GD&ĐT huyện An Lão, việc sửa đổi quy định về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ là cần thiết.

Tuy nhiên, đối tượng xóa mù chữ nên để như cũ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết chữ.

Quy định cũ, phổ cập Trung học và nghề phải đạt được 15% học nghề rất bất cập với các xã, thị trấn có tỉ lệ học sinh học THPT cao.

Cần nâng cấp phần mềm

Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trong năm qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo phổ cập tỉnh Quảng Ninh, của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành đoàn thể của địa phương thực hiện tốt các mục tiêu của công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ theo kế hoạch đã đề ra.

Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của huyện Vân Đồn đã triển khai đồng bộ phát huy hiệu quả chất lượng, luôn duy trì và giữ vững kết quả đã đạt được.

Mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện đã được quy hoạch, cơ sở vật chất thiết bị tương đối đầy đủ đáp ứng nhu cầu đi học của học sinh và yêu cầu cơ bản của công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

Nhiều địa phương đề nghị nâng cấp phần mềm nhập dữ liệu công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ (ảnh minh hoạ).

Nhiều địa phương đề nghị nâng cấp phần mềm nhập dữ liệu công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ (ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, quá trình triển khai còn tồn tại nhiều khó khăn như, các thành viên Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của huyện và các xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều công việc nên thời gian còn hạn chế khi tham gia các hoạt động phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

Công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của địa phương còn chậm. Hệ thống số liệu, hồ sơ sổ sách một số trường chưa khớp với nhau do vậy điều tra theo dõi còn thiếu chính xác. Việc tổng hợp, cập nhật phần mềm phổ cập một số địa phương chưa chính xác nên sự liên thông số liệu giữa các cấp học còn bất cập, thiếu đồng bộ.

Trình độ dân trí, nhận thức của một bộ phận nhân dân không đồng đều, nên Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ gặp không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ đến trường, tuyển sinh, duy trì sĩ số.

Là huyện miền núi hải đảo địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung vì các vùng dân làm kinh tế chuyển đi, chuyển đến nên gặp khó khăn cho công tác quản lý hộ khẩu.

Theo bà Nguyễn Hải Yến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Đồn, công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của huyện Vân Đồn đạt mức cao. Tuy nhiên, bất cập nhất là phần mềm dữ liệu hay bị lỗi, tắc nghẽn nên công tác điều tra đều do giáo viên thực hiện.

Vì thế, bên cạnh việc sửa đổi các quy định về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, nhiều địa phương đề nghị nâng cấp phần mềm; Thời gian mở phần mềm phổ cập giáo dục kéo dài hơn ( có thể mở từ tháng 8, 9 ) để các trường cập nhật kịp tiến độ.

Với các địa phương có sáp nhập trường thì cần được sửa ngay trên phần mềm mà không bị mất dữ liệu.

Bộ GD&ĐT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Điểm mới của dự thảo là quy định rõ hơn về độ tuổi của đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học. Cụ thể, theo dự thảo, đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14, tính đến trước ngày 1/7/2020 chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Đối tượng xóa mù chữ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 62 chưa biết chữ.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ về tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 đối với xã: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1. Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đối với xã là có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 62 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ