Triển khai ổn định, hiệu quả dạy học SGK lớp 1
Năm học 2020 – 2021, triển khai dạy học SGK lớp 1 mới, đối với môn Tiếng Việt, 5 huyện miền núi cao tỉnh Nghệ An sử dụng bộ sách “Vì sự Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục”, các huyện còn lại sử dụng bộ sách “Cánh diều”. Các môn còn lại, toàn tỉnh sử dụng bộ sách "Kết nối trí thức với cuộc sống".
Trước khi năm học bắt đầu, ngành đã cử giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên, hiệu trưởng và hơn 2.300 giáo viên dạy lớp 1 tham gia các chương trình tập huấn của Bộ và Sở GD&ĐT. Nhờ đó, dạy học SGK lớp 1 theo chương trình mới ở Nghệ An thuận lợi, ổn định.
Trong quá trình triển khai, giáo viên cũng sớm phát hiện những vướng mắc, bất cập, chủ động trao đổi với các cấp quản lý để khắc phục và có biện pháp xử lý linh hoạt.
Tại hội nghị, đại diện các cơ sở giáo dục khẳng định, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm ưu việt so với các chương trình trước đây. Ngoài sách giáo khoa, các học liệu điện tử đi kèm đa dạng, phong phú, dễ khai thác, sử dụng.
Học sinh được tham gia nhiều hoạt động, trải nghiệm từ đó hình thành được nhiều kỹ năng quan trọng. Cuối năm học, các em đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện, khám phá...
Tuy nhiên, sau 1 năm học triển khai chương trình GDPT 2018, Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn chưa thể giải quyết. Cụ thể, dù nỗ lực sắp xếp mạng lưới trường lớp, nhưng vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, quy mô manh mún, phòng học không đạt chuẩn, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi cao.
Toàn tỉnh còn 82 trường chưa được đầu tư phòng học ngoại ngữ, 256 trường chưa được đầu tư phòng tin học. Trong đó, còn 440 điểm trường lẻ chưa có các phòng học này; trang thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu nhiều. Các địa phương chưa chủ động mua sắm bổ sung cho trường học mà chờ ngân sách từ cấp trên phân bổ.
Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, cơ cấu chưa hợp lý; Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày (32 tiết/tuần) chưa cao, trong khi chương trình mới được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày, 32 tiết/tuần. Học sinh miền núichịu nhiều thiệt thòi khi học ít số tiết hơn các huyện miền xuôi.
Chủ động triển khai chương trình SGK lớp 2 và lớp 6
Đánh giá 1 năm thực hiện chương trình GDPT 2018, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, tinh thần vượt khó của cán bộ, nhà giáo.
Việc đánh giá hiệu quả cũng như vướng mắc trong dạy học SGK lớp 1 nhằm đưa ra giải pháp để triển khai chương trình lớp 2 và lớp 6 theo lộ trình.
Về chương trình mới, học sinh sẽ có nhiều cái được, thuận lợi hơn, nhưng giáo viên sẽ vất vả hơn. Đặc biệt là trong đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng tiếp cận năng lực, lấy người học là trung tâm.
Nhưng sự thay đổi này sẽ rất áp lực, đòi hỏi giáo viên phải tự đổi mới, sáng tạo, thường xuyên trau dồi trình đội chuyên môn nghiệp vụ. Các cơ sở giáo dục, hiệu trưởng cũng phải chủ động, linh hoạt có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng chương trình nhà trường.
Trước những yêu cầu này, và trên cơ sở kinh nghiệm từ năm học vừa qua, Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương và nhà trường chủ động thực hiện những giải pháp toàn diện. Trước hết, làm tốt công tác tuyên truyền, để tạo sự đồng thuận cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội. Trong đó, cũng phải làm rõ để phụ huynh hiểu rằng, việc sử dụng sách giáo khoa hiện nay chỉ là phương tiện hỗ trợ chứ không phải là pháp lệnh như chương trình cũ.
Hiện Nghệ An đã lựa chọn danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 trên cơ sở lắng nghe và tổng hợp ý kiến từ cơ sở. Các bộ sách phù hợp với điều kiện dạy học thực tế và nhu cầu, năng lực học sinh của Nghệ An ở mỗi vùng miền. Nhà trường, giáo viên dạy học theo chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông 2018.
Sở sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của cơ sở, phản hồi lại để các nhà xuất bản chỉnh lý, bổ sung một số nội dung sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 để hoàn thiện hơn. Ngành cũng sẽ làm tốt công tác quản lý về chất lượng sách giáo khoa và thống kê đủ số sách để thông tin cho nhà xuất bản, kịp thời cung ứng đủ cho tất cả các học sinh.
Về vấn đề đội ngũ, Sở cũng tiếp tục tham mưu để bổ sung đủ giáo viên. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kinh phí và cấp về cho địa phương kịp thời mua sắm thiết bị dạy học thiết yếu để đáp ứng đủ cho năm học mới.