Chất lượng giáo dục tương xứng với quy mô huấn luyện
Thượng tá Nguyễn Văn Tám – Trưởng Khoa GDQP-AN của Học viện cho biết: Hiện nay toàn học viện Nông nghiệp có khoảng gần 37.000 sinh viên, hàng năm Khoa GDQP-AN huấn luyện, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho khoảng 7.000 - 8.000 học viên.
Ngoài huấn luyện cho sinh viên của Học viện, Khoa GDQP-AN còn đảm nhận huấn luyện học viên cho 2 trường: Trường ĐH Tài chính và Quản trị kinh doanh (tỉnh Hưng Yên) với số lượng học viên 2.000 - 2.500 sinh viên/năm và Trường CĐ dệt may (TP Hà Nội) với số lượng học viên từ 1.000 – 1.200 học viên, nâng tổng lưu lượng huấn luyện hàng năm khoảng 10.000 học viên.
Hiện nay, môn GDQP-AN tại Học viện được đào tạo theo tín chỉ. Chương trình đào tạo được rải ra theo thời gian trong năm học để sinh viên đăng kí theo các học phần phù hợp với quỹ thời gian trong năm của cá nhân mình, sao cho học tập, rèn luyện đạt kết quả cao nhất.
Công tác giảng dạy nâng cao chất lượng môn học được HVNNVN thực hiện theo đúng chương trình khung của Bộ GD&ĐT ban hành cũng như những quy định khác về kiểm tra đánh giá chuẩn trang phục học viên, sĩ quan, giảng viên GDQP-AN...
Khoa GDQP-AN của HVNNVN hiện có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện: Thao trường huấn luyện vũ khí, thực hành bắn súng, thao trường huấn luyện chiến thuật, sân luyện tập đội hình, đội ngũ. Có đầy đủ giảng đường học lý luận, lý thuyết của học viện. Về vũ khí trang bị, Học viện đã mua sắm đầy đủ súng tiểu liên AK, B40, B41, các mô hình, học cụ, khí tài đạt chuẩn theo quy định hiện hành và giao cho khoa GDQP-AN trực tiếp quản lý để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo.
Nâng cao chất lượng môn học GDQP-AN
Để sinh viên rèn luyện tốt môn học này và trên thao trường bãi tập sinh viên thực hiện tốt những bài tập, đáp ứng yêu cầu giảng viên đưa ra, theo Thượng tá Tám, trước khi vào học, việc đầu tiên các sĩ quan, giảng viên phải trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản môn học và tuân thủ nghiêm ngặt những điều lệnh; Tiếp đó là phổ biến, quán triệt quy định đặc thù, nghiêm ngặt của môn học GDQP-AN, để các em có ý thức tổ chức kỷ luật chính quy, nghiêm túc, chặt chẽ và có tác phong quân sự.
Nhằm không những để các em học tập tốt môn GDQP-AN mà còn để làm cơ sở, nền tảng cho các em học tập các môn học khác trong suốt thời gian học tập tại trường cũng như tác phong nghề nghiệp, phong cách sống sau khi tốt nghiệp ra trường.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng môn học này ở các trường CĐ, ĐH nói chung và HVNNVN nói riêng, theo Đại tá Nguyễn Văn Tám: Trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp đối với môn học, thứ hai là nâng cao nhận thức trách nhiệm không chỉ riêng đối với đội ngũ sĩ quan, giảng viên GDQP-AN mà còn cho cả toàn bộ hệ thống các bộ phận khác trong đơn vị nhà trường quan tâm đến môn học và công tác quốc phòng - an ninh; Vấn đề quan trọng nhất là sinh viên; các em phải có được ý thức trách nhiệm, kỷ luật trong học tập rèn luyện môn học GDQP-AN.
Tiếp theo là đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả giảng dạy của đội ngũ giảng viên, phương pháp học của sinh viên theo hướng thiết thực, hiệu quả; Nâng cao chất lượng soạn giáo án, ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu, trao đổi, cập nhật, khai thác thông tin, tư liệu trong biên soạn giáo án điện tử, mô phỏng các tình huống chiến đấu, động tác kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh, thực hành bắn súng tiểu liên AK (CKC). Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, học liệu, từng bước chuẩn hóa trang thiết bị dạy - học...