Tập trung cao độ chấm thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Thời điểm này, công tác chấm thi THPT quốc gia đang được các Sở GD&ĐT, trường ĐH triển khai nghiêm túc. Xác định yêu cầu “công bằng, nghiêm túc, khách quan”, cùng với việc thực hiện đúng quy chế, nhiều địa phương đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ để kết quả chấm chính xác nhất, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Sau kỳ thi, các địa phương và đơn vị phối hợp tập trung chấm thi theo quy định. Ảnh minh họa: Thế Đại
Sau kỳ thi, các địa phương và đơn vị phối hợp tập trung chấm thi theo quy định. Ảnh minh họa: Thế Đại

Chọn kĩ nhân lực, chuẩn bị tốt vật lực

Triển khai chấm thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã thành lập Ban Chấm thi gồm 96 người, bảo đảm cán bộ chấm thi là người đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công chấm, giáo viên đang trong thời kỳ tập sự không được chấm thi. 13 camera an ninh đã được lắp đặt phục vụ công tác chấm thi, đảm bảo các phòng đều được lắp camera. Khu vực làm phách có thiết bị phòng cháy, chữa cháy, được che chắn bằng vách ngăn bằng ván, khu vực sân trường có bảng cấm, bảo đảm công tác cách ly.

Bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Khánh Hòa – cho biết: Chiều 27/6, Công an tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp Thanh tra Sở GD&ĐT kiểm tra khu vực cách ly, tổ chức niêm phong các cửa thông với bên ngoài; kiểm tra điều kiện an toàn, phòng cháy chữa cháy… sáng 28/6, kiểm tra tư trang các thành viên, kiểm tra các thiết bị không được phép mang vào khu vực cách ly.

Được biết, từ 28/6, Ban Làm phách được cách ly triệt để cho đến hết ngày 12/7/2019. Đây cũng là thời gian Ban Chấm thi của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Khánh Hòa làm việc.

Tại Hưng Yên, chia sẻ từ ông Phan Xuân Quyết – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - phòng bảo quản bài thi có tủ, khóa bảo đảm an toàn, chắc chắn, có camera ghi hình và công an trực bảo vệ 24/24. Khu vực chứa bài thi, chấm bài thi được chuẩn bị và lên phương án phòng chống cháy nổ. Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ máy quét phục vụ chấm bài thi trắc nghiệm gồm 4 máy để chấm và 2 máy dự phòng.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bình Dương có tổng số 10.925 thí sinh dự thi. Với số lượng bài thi tương ứng, Sở GD&ĐT huy động 97 cán bộ chấm thi tự luận. Bà Nguyễn Phương Dung – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương – cho biết: “Ngày 2/7, Ban Chấm thi tự luận tiến hành chấm chung 10 bài, sau đó chấm đại trà. Ngày 12/7 sẽ khớp phách ngẫu nhiên 20% và nhập điểm. Bình Dương dự kiến tổng kết công tác chấm thi sẽ tiến hành vào ngày 13/7”.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chấm thi THPT quốc gia năm nay sẽ thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. 

Năm nay, công tác chấm thi trắc nghiệm được giao cho trường ĐH chủ trì. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ GD&ĐT; đồng thời phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn. Các nhiệm vụ này đã được triển khai nghiêm túc, chu đáo tại địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác chấm bài thi trắc nghiệm.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Trường ĐH nỗ lực với nhiệm vụ mới

Chấm thi trắc nghiệm được giao cho trường ĐH là điểm mới của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Các cán bộ của trường ĐH hiện đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Có giảng viên tham gia chấm thi vừa mới hoàn thành xong nhiệm vụ in sao đề thi, thậm chí còn chưa được về thăm nhà đã phải lên đường làm nhiệm vụ.

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho tỉnh Thanh Hóa. Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi chủ trì chấm thi trắc nghiệm, PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội– cho biết: Công việc luôn có sự phối hợp chặt chẽ của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Mặc dù còn một số vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nhưng về cơ bản đã giải quyết xong, sẵn sàng cho công tác chấm thi. Các cán bộ được lựa chọn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt có sự tăng cường cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệmtừ Sở GD&ĐT Nghệ An.

Tuy nhiên, khó khăn là quy trình chấm thi khá phức tạp, đòi hỏi độ tập trung cao độ. Nếu công tác kiểm tra thông tin trên phiếu trắc nghiệm chưa tốt (ở khâu coi thi), sẽ gặp những vấn đề liên quan khi chấm thi, ví dụ: Tô sai số báo danh, tô sai mã đề, tẩy xóa trên phiếu trắc nghiệm, tô mờ. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ lỗi gặp phải là khoảng 1%, việc này sẽ dẫn đến khâu sửa lỗi sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Thực hiện nhiệm vụ chấm trắc nghiệm tại Thanh Hóa, 26 cán bộ được huy động, theo đó, ngoài Trường ĐH Bách khoa Hà Nội còn có 2 cán bộ được tăng cường từ Sở GD&ĐT Nghệ An. Ngày 27/6, máy móc, thiết bị đã được Sở GD&ĐT Thanh Hóa bàn giao lại cho trường.

Cũng trong ngày này, Ban Chấm thi trắc nghiệm nhận bàn giao bài thi và bắt tay ngay vào sắp xếp bài thi theo từng môn và tổ hợp, theo Điểm thi (từ 1 - 70). Tối 27/6, Ban chấm thi đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ và phân công nhiệm vụ cho các tổ: Tổ thư ký, tổ chấm, tổ giám sát. Dự kiến công tác chấm thi trắc nghiệm sẽ kéo dài khoảng 9 -10 ngày, chậm nhất 10/7 là phải xong. Sau khi xong công tác chấm thi, sẽ ghép điểm, và xuất dữ liệu, đảm bảo có thể công bố điểm cho thí sinh vào ngày 14/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.