PGS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm, Đại học Huế đưa nhận định này tại hội thảo “Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”, do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) tổ chức ngày 18/12.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Học viện Quản lý giáo dục và trực tuyến tại các điểm cầu thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định, Trường Đại học sư phạm (Đại học Huế).
Cuộc cách mạng nâng cao năng lực
PGS.TS Lê Anh Phương cho rằng, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên là thường xuyên, liên tục. Qua 6 mô đun bồi dưỡng, giáo viên đã được nâng cao năng lực để phát triển nghề nghiệp. Đây là một cuộc cách mạng nâng cao năng lực sâu rộng, chất lượng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta vừa triển khai dạy trực tiếp và trực tuyến.
Hoạt động bồi dưỡng thông qua lớp học ảo trên hệ thống học tập trực tuyến được thực hiện hiệu quả, nắm bắt được nhu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và có những thay đổi nhất định sau khi triển khai đánh giá năng lực, tiếp cận người học; nội dung bồi dưỡng không những nắm bắt chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn hiểu rõ việc triển khai trong thực tế.
PGS.TS Lê Anh Phương cho biết: Tính đến ngày 10/12, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán của 10 tỉnh hoàn thành mô đun 5.
Nội dung khóa học của mô đun 5 trên hệ thống học trực tuyến (LMS) được xây dựng dưới dạng video, văn bản và các các câu hỏi trắc nghiệm đã thể hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập của học viên, mục tiêu của khóa học, nội dung khóa học, bài tập cuối khóa cũng như tài liệu tham khảo với hướng dẫn rõ ràng. Phần thực hành vận dụng được cấu trúc phù hợp.
Trong quá trình tập huấn, giáo viên phổ thông cốt cán không tiếp thu một cách thụ động, máy móc; quá trình tương tác trong lớp học LMS rất tích cực và hiệu quả.
Tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định thông tin: Sở Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo trong tỉnh được tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban quản lý Chương trình ETEP và Kế hoạch của UBND tỉnh, sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Căn cứ hướng dẫn của sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng Giáo dục và Đào tạo, đơn vị trực thuộc Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý; tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý sinh hoạt chuyên môn theo trường hoặc cụm trường, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, Sở đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà tỉnh Bình Định; trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên trong Ban để theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc giáo viên, cán bộ quản lý tại đơn vị mình quản lý trong quá trình triển khai bồi dưỡng.
Cùng với đó, chỉ đạo đội ngũ chuyên viên cấp Sở, Phòng tham gia bồi dưỡng để cùng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý đại trà, đồng nghiệp, chấm bài trên hệ thống học tập trực tuyến LMS.
Ông Đào Đức Tuấn cũng cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đã tạo các nhóm zalo bao gồm một số giảng viên chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế, cán bộ chi nhánh Viettel Bình Định, chuyên viên sở Giáo dục và Đào tạo, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo, giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán để thường xuyên trao đổi, tương tác giúp giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc trong quá trình bồi dưỡng, hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đại trà.
Hàng năm, Sở còn tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số cơ sở thông qua các cuộc kiểm tra công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn và các cuộc kiểm tra, thanh tra của Sở. Từ đó, đánh giá những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế.
Đến nay, sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định đã hoàn thành bồi dưỡng 4 mô đun cho tất cả giáo viên phổ thông đại trà và 3 mô đun cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà, bảo đảm hiệu quả và kịp tiến độ theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Đặng Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Chương trình ETEP đã bồi dưỡng 28.000 giáo viên cốt cán và 4000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trong toàn quốc theo mô hình mới.
Cho đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên cốt cán đã hoàn thành bồi dưỡng 5 mô đun quan trọng. Trong tháng 12/2021, đội ngũ cốt cán đang tiếp tục hoàn thành mô đun: “Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ trong dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.