Hơn 745 nghìn giáo viên, cán bộ quản lý hoàn thành tự đánh giá trên hệ thống TEMIS

GD&TĐ - Số liệu ghi nhận từ Hệ thống TEMIS năm 2021 tại thời điểm ngày 3/12/2021, đã có 745.163 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá trên hệ thống TEMIS, đạt tỷ lệ 83.73%.

TS.Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP phát biểu tại hội thảo.
TS.Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP phát biểu tại hội thảo.

Thông tin này được công bố tại hội thảo “Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018” do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) tổ chức sáng 8/12. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Học viện Quản lý giáo dục và trực tuyến tại các điểm cầu thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái.

TEMIS là hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong khuôn khổ Chương trình ETEP.

Hệ thống này được xây dựng nhằm giúp Bộ/Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và chính giáo viên phổ thông có thể thu thập hệ thống các thông tin về: Xu hướng phát triển nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông dựa trên kết quả đánh giá theo chuẩn; Theo dõi, ghi lại đánh giá của đội ngũ này về các chương trình bồi dưỡng thường xuyên; Thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, làm căn cứ cho rà soát, cập nhật điều chỉnh chương trình, tài liệu và các phương thức tổ chức học tập, hỗ trợ bồi dưỡng.

Theo TS.Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP, đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn trên hệ thống TEMIS bắt đầu triển khai theo công văn 5016/BGDĐT-GDTrH, ban hành ngày 20/11/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, 63 sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc đều đã tham gia thực hiện với những kết quả tương đối cao.

Theo đó, về thực hiện báo cáo TEMIS năm 2020: Có 57 sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành xây dựng báo cáo và công bố báo cáo TEMIS 2020 trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sở Giáo dục và Đào tạo. Hầu hết báo cáo của các sở đều ghi nhận tỷ lệ hoàn thành đánh giá theo chuẩn và tải minh chứng lên hệ thống đạt trên 90% trên tổng số giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của sở.

Năm 2021, hệ thống TEMIS đang tiếp tục cập nhật và đến nay đã ghi nhận tỷ lệ hoàn thành đánh giá theo chuẩn và tải minh chứng lên hệ thống đạt tương đối cao. Hầu hết đều trên 80% giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của 63 sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành tự đánh giá và tải minh chứng; trong khi đó, thời hạn chiết xuất và công bố cho báo cáo TEMIS 2021 là 31/12/2021.

Cụ thể, số liệu ghi nhận từ hệ thống TEMIS năm 2021 tại thời điểm ngày 3/12/2021, toàn quốc có 74.5163 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá trên hệ thống TEMIS (đạt 83,73%).

Đại biểu dự hội thảo “Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018” tại điểm cầu Học viện Quản lý giáo dục.
Đại biểu dự hội thảo “Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018” tại điểm cầu Học viện Quản lý giáo dục.

Riêng với Yên Bái, ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cho biết: Đến nay, đã có có 8.082/8.170 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đánh giá chuẩn trên hệ thống TEMIS, đạt tỷ lệ 98,89%. Còn 88 cán bộ quản lý, giáo viên không đánh giá do chưa đạt trình độ chuẩn.

Nhìn chung, qua 2 năm thực hiện đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn trên hệ thống TEMIS, thông qua các cuộc giám sát, phỏng vấn đánh giá kết quả hoạt động được Bộ Giáo dục và Đào tạo và đơn vị kiểm đếm độc lập thực hiện, đã ghi nhận một số phản hồi tích cực của các thầy cô giáo.

Việc thực hiện tự đánh giá và tải minh chứng cho năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021 đã giúp giáo viên nhận ra được nhiều lợi ích của TEMIS như: giúp tự đánh giá rõ ràng, minh bạch; tải, lưu trữ và sử dụng minh chứng đúng và đầy đủ theo yêu cầu; tự đề xuất nhu cầu bồi dưỡng xuất phát từ nguyện vọng của cá nhân; nâng cao năng lực tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin trong phát triển chuyên môn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...