Tự làm mứt dừa đã trở thành trào lưu của các mẹ mỗi mùa xuân tới tuy nhiên để làm mứt dừa ngon từ khâu chọn dừa tới khâu nạo dừa rồi ướp dừa để màu sắc lên đúng mong muốn thì không phải mẹ nào cũng biết hết. Với những kinh nghiệm được tập hợp lại từ các diễn đàn nấu ăn sau đây sẽ giúp bạn dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tự làm mứt dừa để có một mùa mứt thành công 100% nhé!
Mứt dừa vị sầu riêng
1. Chọn dừa
Dừa nên chọn dừa bánh tẻ không nên chọn dừa già cũng như dừa non quá. Vì dừa già phần dầu sẽ nhiều do đó khi sên sẽ lâu và không bảo quản được lâu bởi phần dầu dừa sẽ bị chảy ra. Còn nếu dừa non quá khi cắt sợi dễ bị đứt đồng thời mứt sên nhanh bị ướt lại còn rất hao nữa.
Vậy làm sao để chọn được dừa bánh tẻ?
Cách tốt nhất bạn nên nhờ người bán hàng quen mua giúp hoặc tìm giúp dừa để đảm bảo chất lượng. Nếu không bạn có thể chọn những quả dừa sau khi bỏ phần vỏ cứng đi rồi, bạn dùng móng tay có thể bấm được vào cùi dừa tùy vào việc bấm móng tay đó bạn có thể cảm nhận được độ già hoặc non của trái dừa.
2. Thái dừa
Với mục đích tạo hình cho mứt mà bạn chọn cách thái dừa phù hợp nhé! Nhìn chung chị em thường thích có sợi dài thì có thể dùng 1 con dao sắc cắt vòng tròn xung quanh trái dừa. Làm tới đây bạn sẽ thấy ưu điểm của việc lựa chọn một trái dừa bánh tẻ thì việc cắt sợi tròn xung quanh trái dừa là 1 điều hoàn toàn dễ dàng. Cũng không nên để sợi dài quá vì tới lúc sên dừa cũng dễ bị đứt vụn, bạn hãy cắt thành từng đoạn dài bằng nhau nhé!
3. Ngâm dừa
Bắt buộc sau khi thái dừa bạn phải xả qua dừa dưới vòi nước chảy từ 3 - 4 lần, nếu có thể nên xả qua nước ấm để phần dầu dừa vừa cắt có thể trôi đi nhanh chóng. Sau đó phải ngâm tiếp với nước nóng khoảng 70 - 80 độ cho đến khi phần dừa hết dầu hoàn toàn. Để kiểm tra việc dừa đã hết dầu hoàn toàn chưa bạn xả lại với nước và thấy nước xả trong là được.
4. Nhuộm màu và ướp dừa
Dừa sau khi ngâm cho hết dầu, để ráo nước thì tới khâu nhuộm màu.
Với màu vàng chanh leo bạn không nên cho quá nhiều nước cốt chanh vì nếu mứt dừa bị chua thì sẽ không có kết tinh đường, nếu bạn vẫn muốn có màu vàng đẹp mắt thì có thể ngâm dừa trước với chút bột nghệ đã hòa trong nước, sau khi dừa đã lên màu vàng như ý thì vớt ra để ráo nước rồi ướp với đường và nước cốt chanh leo.
Với màu nâu cà phê tốt nhất sử dụng cả phê đen pha phin không sử dụng cà phê hòa tan, vì cà phê đen sẽ thơm và đậm đà mùi cà phê đồng thời màu mứt dừa lên cũng đậm và đẹp hơn nhé!
Nguyên tắc luôn là ngâm cho tới khi đường tan hoàn toàn, thấy miếng dừa đã trong thì mới đạt yêu cầu. Trung bình khoảng 8 tiếng. Tốt nhất bạn nên ngâm từ buổi sáng trước khi đi làm, và buổi tối về nhà có thể bắt tay vào sên dừa.
5. Sên dừa
Nguyên tắc quan trọng đầu tiên là phải để lửa nhỏ, bạn không được nóng vội bởi bạn để lửa to việc sên sẽ nhanh nhưng đồng nghĩa với việc dừa sẽ rất dễ bị cháy và đường sẽ chuyển sang màu nâu. Tiếp đến không nên sên quá nhiều dừa cùng 1 mẻ, nếu chảo của bạn không lớn thì nên chia mứt dừa ra và sên thành nhiều lần, vừa giúp bạn không bị quá mệt vì phải đảo dừa nặng vừa giúp cho phần nhiệt có thể chia đều cho tất cả các sợi mứt dừa.
Trung bình thời gian sên rơi vào khoảng 1,5 tới 2 giờ nhé! Bạn sên mứt kỹ thì bạn sẽ bảo quản được càng lâu. Tuy nhiên cũng không nên sên quá lâu vì mứt cũng có thể bị khô quá. Cần quan sát sợi mứt, khi thấy phần đường kết tinh đủ bám vào từng sợi dừa, đáy chảo khô cong thì bạn có thể đổ ra mâm hoặc khay rộng để nguội rồi.
6. Bảo quản mứt dừa
Luôn phải để mứt dừa thật nguội sau đó có thể đóng mứt dừa vào túi chống ẩm, hoặc cho vào lọ thủy tinh đậy kín. Nếu không bạn có thể bọc mứt dừa vào giấy ăn sau đó cho vào túi nilong và để vào ngăn mát tủ lạnh nhé! Có rất nhiều người khuyên là nên đặt mứt dừa vào giấy báo nhưng giấy báo in có chứa nhiều chì cực kỳ không tốt cho sức khỏe nên bạn hãy sử dụng giấy ăn nhé!
Hy vọng với những điều cơ bản trên đây bạn sẽ làm mứt dừa thành công 100%!