Thầy Phan Đức nhìn nhận: Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 sắp tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉnh sửa một số giải pháp kỹ thuật trong công tác ra đề, coi thi, tổ chức thi hai bài thi tổ hợp dựa trên kinh nghiệm rút ra của năm 2017, đặc biệt là việc hoàn thiện và bổ sung ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để kỳ thi đảm bảo độ khách quan, tin cậy và sự đồng thuận của xã hội, tạo thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng tuyển chọn được thí sinh đạt yêu cầu.
Góp ý về đề thi THPT quốc gia, Thầy Phan Đức đề xuất: Trong các năm trước, đề thi THPT quốc gia được thiết kế có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân hóa. Vì số câu hỏi phân hóa ít nên mức độ phân hóa đề thi có phần hạn chế so với đề thi chỉ dùng với mục đích tuyển sinh. Theo tôi, để khắc phục hạn chế này, Bộ GD&ĐT nên phân bố lại tỷ lệ kiến thức cơ bản và nâng cao của đề thi THPT quốc gia, chẳng hạn như 50% kiến thức cơ bản và 50% kiến thức nâng cao là tương đối hợp lý. Đồng thời, Bộ GD&ĐT sớm công bố đề thi minh họa để các thầy cô giáo và học sinh tham khảo, và định hướng cho việc dạy và học.
Theo phương án thi Bộ GD&ĐT công bố, đối với kỳ thi năm 2018, ngoài chương trình lớp 12 còn có nội dung thi liên quan lớp 11. Và đến kỳ thi năm 2019 thì nội dung thi liên quan cả chương trình THPT (lớp 10, 11, 12). Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần công bố sớm giới hạn cụ thể các nội dung thi của chương trình lớp 11 cho năm 2018 và chương trình lớp 10 cho năm 2019 để giáo viên và học sinh chuẩn bị. Chỉ tính riêng một môn học, nếu thi toàn bộ chương trình cả 3 năm thì rất nặng, không có trọng tâm trọng điểm, học gì thi đó là không cần thiết, đặc biệt là thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan thì quá rộng, quá khó và quá tải đối với các em HS.
Bày tỏ ý kiến về việc tiếp tục tinh giản chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với đổi mới thi và phương án thi THPT quốc gia từ 2021, Hiệu trưởng Phan Đức cho hay: Theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới thì học sinh cấp THPT ngoài học các môn bắt buộc sẽ được chọn học các môn trong các nhóm Khoa học xã hội, nhóm Khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật. Do đó việc xây dựng phương thức thi trong 3 năm tới cũng cần thay đổi để hướng tới sự phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vui vẻ sau kỳ thi |
Bộ GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn tiếp tục tinh giản chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cho các trường phổ thông thực hiện để đội ngũ giáo viên và học sinh chuyển dần từ dạy học “tiếp cận nội dung” sang dạy học “tiếp cận năng lực”, chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông từ 2018, chuẩn bị tiếp cận với phương án thi THPT quốc gia từ 2021 với bài thi tích hợp ở hai tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Nếu làm được việc này thì các cơ sở giáo dục sẽ bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đồng thời sẽ chuẩn bị tốt tâm thế cho các em học sinh, các phụ huynh và các cơ sở giáo dục đón nhận kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2021 cùng với việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.