Cùng con vào lớp 1
Năm nay có con trai bước vào lớp 1, thay vì lo tìm kiếm các lớp tiền tiểu học cho con như nhiều phụ huynh khác, chị Nguyễn Thị Ngọc (quận Long Biên, Hà Nội) mỗi tối lại cùng con làm quen với chữ cái, chữ số. Chị cũng tranh thủ thời gian để trò chuyện, hướng dẫn con các kỹ năng tự phục vụ cho bản thân khi vào cấp học mới.
Chị Ngọc chia sẻ: “Đây là đứa con thứ 2 của tôi bước vào lớp 1, với kinh nghiệm lần trước, tôi luôn cố gắng tạo tâm thế thoải mái để con có tâm thế tự tin vào cấp học mới. Tôi không tỏ thái độ quá lo lắng hay áp lực như vậy sẽ dẫn đến con bị ảnh hưởng tâm lý và sợ vào cấp học mới. Tôi dành thời gian hướng dẫn con ngồi học đúng tư thế, cách cầm bút, đặt vở… từ đó giúp trẻ làm quen với việc học tập một cách tự nhiên, không áp lực. Đặc biệt, tôi cũng động viên, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của con”.
Tương tự, chị Nông Thị Diệp (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) là người dân tộc Nùng. Gia đình chị thường dùng tiếng Nùng để giao tiếp trong sinh hoạt. Năm nay, có con vào lớp 1, để tăng cường Tiếng Việt cho con, gia đình chị chuyển sang tiếng phổ thông để giúp con giao tiếp thành thạo hơn.
Chị Diệp chia sẻ: “Vào lớp 1, con sẽ học và giao tiếp với nhiều bạn bè, nếu con duy trì giao tiếp bằng tiếng dân tộc, thầy cô, các bạn trong lớp không hiểu con có thể không hoà nhập được. Bên cạnh đó, tôi cũng kể cho con nghe về trường học mới, thầy cô mới để con hình dung.
Thời điểm này, tôi đã cài báo thức để mỗi buổi sáng con thức dậy theo tiếng chuông, mỗi buổi tối con sẽ tự sắp xếp khăn, quần áo mang lên lớp mẫu giáo để rèn cho con thói quen, sắp xếp sách vở, đồ dùng vào cặp sách; tự mang cặp sách tới trường và tự ý thức giờ nào việc nấy… khi vào cấp học mới".
Nhiều hoạt động ngoại khoá để giúp trẻ tự tin, mạnh dạn khi bước vào cấp học mới. Ảnh NT. |
Tạo tâm thế để trẻ sẵn sàng vào lớp 1
Tại Trường Mầm non 8-3 (quận Hai Bà trưng, Hà Nội), không chỉ chú trọng giáo dục kỹ năng, kiến thức cho trẻ bước vào lớp 1. Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá, bố trí không gian để tăng cường học chữ cái, chữ số cho học trò, giúp các em mạnh dạn, tự tin bước vào cấp học mới.
Cô Trình Thị Hà, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 8-3 chia sẻ: “Ở mỗi khối lớp, chúng tôi luôn đặt cấp độ làm quen với tinh thần lớp 1 khác nhau đặc biệt cố gắng xây dựng môi trường cho trẻ làm quen với chữ cái, chữ số từ khi còn mẫu giáo bé. Theo đó, đồ dùng học tập, đồ chơi nhà trường đều gắn các chữ cái, chữ số để trẻ được tiếp cận sớm một cách tự nhiên”.
Bên cạnh đó, nhà trường đã căn cứ vào hướng dẫn chương trình của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT để cho trẻ làm quen với chữ cái, chữ biết cũng như các hoạt động giáo dục kỹ năng.
“Sau khi học xong một bài thơ, chúng tôi sẽ in ra và cho trẻ gạch chân những chữ cái trong bài thơ mà trẻ biết để khuyến khích trẻ nhớ lâu hơn, quá trình học chữ không bị áp lực, cô Hà ví dụ và cho biết thêm, riêng đối với trẻ mẫu giáo lớn nhà trường cũng có những tiết học làm quen với môi trường lớp 1 như kê bàn, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, giao lưu ngoài sân với các hoạt động như trạng nguyên nhí, để các em mạnh dạn trước đám đông, dám chia sẻ những quan điểm, kiến thức, hiểu biết của mình.
Hằng năm, nhà trường cũng cho trẻ tham quan các trường tiểu học để trẻ hình dung cũng như hiểu thêm mình chuẩn bị bước sang cấp học mới; không gian lớp học trang trí khác, nhiều bàn ghế, sách vở; không còn nhiều đồ chơi như ở bậc mầm non.
Đội ngũ giáo viên giảng dạy khối lớp mẫu giáo lớn, Ban giám hiệu Trường Mầm non 8-3 lựa chọn người có kinh nghiệm, vững chuyên môn, tận tâm. Đặc biệt, giáo viên phải nghiên cứu chương trình GDPT 2018 để có những hướng dẫn, giảng dạy cho trẻ sát với năng lực, giúp các em vững tin hơn khi bước vào cấp học mới.
Trong các hoạt động ngoại khoá, chủ đề giảng dạy đều lồng ghép những hoạt động làm quen với lớp 1 để trẻ chuẩn bị tâm thế cũng như kỹ năng tự chăm sóc mình. “Ở cấp 1, vấn đề học, ăn, ngủ, nghỉ bán trú tại trường - các em gần như tự túc dưới sự hướng dẫn của thầy cô nên những hoạt động đó lồng ghép để các em vững vàng hơn”, cô Hà nói.
Cô Trình Thị Hà, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 8-3 chia sẻ: "Phụ huynh nên bình tĩnh, tin tưởng vào các thầy cô ở mầm non. Phụ huynh nên phối hợp với nhà trường, cô giáo để cùng hướng dẫn, hỗ trợ con chuẩn bị hành trang vào lớp 1 cho các con với tâm thế thoải mái. Cha mẹ không nên áp lực quá dẫn đến con trẻ cũng bị áp lực theo và tạo tâm lý sợ cấp học mới.