Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Đức Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, xã hội học tập (XHHT) là một xã hội trong đó mọi người dân đều có nhu cầu và nghĩa vụ học tập, được tạo cơ hội và điều kiện học tập; mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp cho việc học tập của mọi người.
Hiện nay, các chính sách về xây dựng XHHT từng bước đã được hoàn thiện trên cơ sở phù hợp với từng bối cảnh, hiện trạng thực tiễn của đất nước.
Trong đó, việc xây dựng XHHT phải từ cơ sở và không thể thiếu được các mô hình học tập từ cơ sở, bao gồm mạng các lưới cơ sở giáo dục. Trong đó, mạng lưới cơ sở GDTX làm nòng cốt với các phương thức, hình thức học tập đa dạng như hình thức học tập GDTX với các mô hình học tập như: “công dân học tập”, “cộng đồng học tập”, “thành phố học tập”, “đơn vị học tập”…
Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng XHHT thông qua Đề án của Chính phủ (Đề án 1373 về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”) và trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành.
Cùng với hệ thống cơ sở giáo dục trực thuộc địa phương, chính quyền địa phương để từng bước thúc đẩy phát triển các mô hình học tập giúp mọi tầng lớp nhân dân học tập suốt đời, xây dựng XHHT từ cơ sở nhằm phát triển và xây dựng các mô hình học tập là đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược quốc gia.
Cũng tại hội nghị này, ông Minh mong rằng các địa phương khi triển khai XHHT phải thực chất, khẳng định được giá trị, trao truyền văn hoá để tạo sức lan toả của giá trị xã hội học tập.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Trần Thị Hải Yến- Trưởng phòng GDTX-GDCN, Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết, để phát triển xã hội học tập, Lạng Sơn luôn chú trọng mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tính cấp bách của nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập đối với toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền đối với việc xây dựng XHHT. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của Hội khuyến học các cấp trong việc thực hiện các hoạt động, phong trào xây dựng xã hội học tập...
Kịp thời biểu dương gương sáng tự học, lập thân, lập nghiệp, làm kinh tế giỏi, phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, cuộc sống, góp phần phát triển bền vững gia đình, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới.
“Đặc biệt, chúng tôi tuyên dương và nhân rộng các mô hình hay; phong trào hoạt động tốt trong việc thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh việc học tập suốt đời ở địa phương, đơn vị; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời với nhiều nội dung, hình thức phong phú, động viên các tầng lớp nhân dân tự học, học thường xuyên, học suốt đời nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình gắn với phát triển kinh tế, xã hội cộng đồng”, bà Hải Yến cho biết thêm.