Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ hay còn gọi Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là vùng đất cư trú của nhiều dân tộc, người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm,... Từ bao đời nay, vùng đất này nổi tiếng với cây xanh trái ngọt, lúa gạo trĩu bông và những con người trọng nghĩa, chân chất, sống thân tình, giúp đỡ nhau trong xây dựng cuộc sống.
Những con người ấy, trong bộn bề của cuộc sống, vẫn luôn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình để góp phần kiến tạo những nét văn hóa độc đáo của vùng miền và đất nước. Tây Nam Bộ không chỉ được biết đến là quê hương của đờn ca tài tử, những tuồng cải lương của người Việt, mà còn nổi danh với hai loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer là sân khấu Rô Băm và Dù Kê.
Khác với sân khấu Rô Băm có nguồn gốc từ cung đình, Dù Kê được sinh ra từ chính người dân lao động từ những thập niên 20 của thế kỉ XX, dựa trên trí tuệ, tinh thần yêu cái đẹp của đồng bào Khmer Nam Bộ gắn với đặc trưng văn hóa – nghệ thuật mang tính địa phương, vùng miền rõ rệt. Dù kê còn là sản phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện rõ rệt sự giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc anh em cùng chung sống Kinh, Khmer và Hoa.
Thời gian qua, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê của đồng bào Khmer trong thời kì mới, các hoạt động nghiên cứu cũng như các liên hoan biểu diễn Dù Kê, các trại sáng tác kịch bản Dù Kê đã được các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm thực hiện. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu tổng quan hơn, tạo lực lượng kế thừa cần thực hiện ra sao, cũng như xây dựng chiến lược, định hướng xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Dù Kê là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hội thảo “Nghệ thuật sân khấu Dù Kê – 100 năm hình thành và phát triển” là dịp gặp gỡ quý báu giữa nhà khoa học, các nghệ sĩ, nghệ nhân và nhà quản lí. Những nội dung trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất và kết luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở lí luận và thực tiễn quan trọng cho việc xác định nguồn gốc và các giá trị văn hóa – nghệ thuật của nghệ thuật sân khấu Dù Kê, lịch sử hình thành và phát triển của loại hinh nghệ thuật này.
Hơn 35 tham luận gửi về Hội thảo đã đưa ra cái nhìn tổng quan và chuyên sâu về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển, đặc trưng và các giá trị văn hóa – nghệ thuật của sân khấu Dù Kê ở ĐBSCL. Hội thảo thực sự là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lí và các nghệ nhân, nghệ sĩ cùng trao đổi về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu Dù Kê, từ đó ghi nhận những thành tựu, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt 100 năm hoạt động của loại hình nghệ thuật này. Đồng thời đóng góp tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sân khấu Dù Kê rộng rãi trong và ngoài nước.