Tạo nguồn đề chất lượng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, câu hỏi được lựa chọn từ đề khảo sát của sở GD&ĐT, của trường… sẽ là một nguồn để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Việc xây dựng các đề kiểm tra, đề thi chất lượng từ nhà trường, địa phương do đó càng trở nên quan trọng.

Để triển khai hiệu quả việc này, thầy Hoàng Công Thắng - Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) cho rằng, trước hết, Bộ GD&ĐT, cần chỉ đạo việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo cấu trúc định dạng mới.

Hiện nay, đề kiểm tra đa số các môn áp dụng 30% tự luận và 70% trắc nghiệm; định dạng là câu hỏi trắc nghiệm 4 phương án. Trong khi đó, cấu trúc định dạng đề thi kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ngoài dạng câu hỏi nhiều lựa chọn quen thuộc còn có thêm hai dạng trắc nghiệm mới là trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.

Về phía Sở GD&ĐT, cần chủ động tập huấn, hướng dẫn các đơn vị giáo dục đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cấu trúc mới. Hội đồng bộ môn cần hướng dẫn xây dựng ma trận, bản đặc tả đối với bài kiểm tra định kỳ theo cấu trúc định dạng mới.

Sở GD&ĐT làm đầu mối tập hợp nguồn câu hỏi từ các đơn vị, theo từng bài học/chủ đề, theo từng bài kiểm tra định kỳ. Từ đó, thông tin lại các đơn vị để sử dụng với mục đích có nguồn ngân hàng câu hỏi phong phú, đáp ứng yêu cầu học tập, kiểm tra, đánh giá, chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Về phía tổ chuyên môn, theo thầy Hoàng Công Thắng, cần phổ biến, phân tích kỹ cho giáo viên cấu trúc các dạng câu hỏi trắc nghiệm, đặc biệt các cấu trúc mới.

Trên cơ sở phân tích yêu cầu cần đạt của từng bài học/chủ đề, tổ chức xây dựng và thẩm định nguồn câu hỏi dùng cho việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo từng dạng cấu trúc; đặc biệt là các câu hỏi theo định dạng trắc nghiệm trả lời ngắn, đúng/sai. Thống nhất cấu trúc các lệnh hỏi, các nội dung/kiến thức cần hỏi để thực hiện thống nhất trong toàn tổ.

Cùng với đó, xây dựng ma trận- bản đặc tả cho từng bài kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT và phải có cả 3 dạng câu hỏi trắc nghiệm trong mỗi bài kiểm tra. Xây dựng nguồn đề kiểm tra đủ lớn để tạo thuận lợi trong việc đánh giá học sinh. Nếu lượng đề quá ít, học sinh có thể dễ dàng trao đổi đáp án, đặc biệt là câu hỏi ở phần trả lời ngắn do không yêu cầu trình bày lời giải.

Cần khuyến khích giáo viên áp dụng các câu hỏi, lệnh hỏi theo cấu trúc mới trong dạy học và đánh giá thường xuyên (kiểm tra viết ngắn, hỏi đáp…).

Thời gian làm bài và số lượng câu hỏi của từng môn theo cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Thời gian làm bài và số lượng câu hỏi của từng môn theo cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Về phía giáo viên, thầy Hoàng Công Thắng lưu ý trước tiên đến việc nắm bắt ngay cấu trúc định dạng mới của câu hỏi của đề thi, đặc biệt là các câu hỏi định dạng mới. Đồng thời, nắm kỹ yêu cầu cần đạt của mỗi bài học/chủ đề; định hướng lại các dạng câu hỏi/nhiệm vụ học tập trong từng bài học/chủ đề theo định dạng mới.

Đối với kiểm tra, đánh giá, thầy cô ra đề bám sát cấu trúc dạng câu hỏi mới, kể cả trong đánh giá thường xuyên (kiểm tra viết ngắn, hỏi- đáp…), ra đề kiểm tra định kỳ bám sát theo yêu cầu của tổ chuyên môn, chú trọng cho học sinh làm quen với câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn.

Trong sinh hoạt chuyên môn, giáo viên mạnh dạn trao đổi ý kiến để xây dựng nguồn ngân hàng câu hỏi dùng chung cho tổ, bao gồm ra câu hỏi và phản biện câu hỏi của đồng nghiệp.

“Câu hỏi dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn giáo viên đã quen thuộc. Câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn chỉ là sự thay đổi hình thức yêu cầu. Tuy nhiên, giáo viên cần chuẩn bị để có nguồn câu hỏi đa dạng đối với từng nội dung/kiến thức trong bài học/chủ đề. Quan tâm khai thác tốt các nguồn học liệu, tư liệu đề có nguồn câu hỏi chất lượng như: các sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, sách bài tập; tư liệu của đồng nghiệp và các tác giả uy tín; các đề tham khảo của Bộ GD&ĐT/ sở GD&ĐT, các trường bạn…”, thầy Hoàng Công Thắng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ