Ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT: Phát huy trí tuệ toàn ngành, có 'tính mở'

GD&TĐ - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà thông tin về định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, cấu trúc định dạng đề thi TN THPT từ 2025.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà phát biểu tại hội thảo.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà phát biểu tại hội thảo.

Chiều 11/3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Hà cho biết, cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm tính kế thừa và phát triển về nội dung để phù hợp với thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018.

Cụ thể, về tính kế thừa, môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại hình thức trắc nghiệm; giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Về tính phát triển: Thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn; thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, cấu trúc mới vẫn giữ nguyên 40 lệnh hỏi (hầu hết các môn) nhưng, giảm được số tờ giấy thi so với các đề hiện nay. Các môn chỉ tối đa 4 trang giấy A4 nên đề thi trình bày đủ trên 1 tờ giấy A3; từ đó giảm bớt được khối lượng công việc, giảm bớt rủi ro in sao, ghép tờ đề thi bảo đảm thuận lợi. Như vậy sẽ giảm bớt khối lượng và sai sót công việc trong tổ chức thi.

Về định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, định hướng đầu tiên là phát huy trí tuệ toàn ngành và có “tính mở”.

Theo đó, câu hỏi thi được lựa chọn từ đề khảo sát của sở GD&ĐT, của trường; đề kiểm tra học kì,… Các đơn vị gửi đề thi, kèm kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT để phân tích đề thi bằng lý thuyết khảo thí (cổ điển, hiện đại).

Sau phân tích, các câu hỏi “tốt” sẽ được lựa chọn vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Cách làm này, một mặt giúp nâng cao chất lượng ra đề thi nói chung cho cả nước; đồng thời góp phần giúp lãnh đạo địa phương đánh giá chất lượng dạy, học và biên soạn đề thi.

Thông qua kết quả sử dụng lý thuyết khảo thí để phân tích đề thi sẽ đánh giá được chất lượng biên soạn đề thi; góp phần đánh giá chất lượng dạy và học. Địa phương nếu có nhu cầu cũng sẽ được hỗ trợ, như góp ý chuyên môn về soạn thảo đề thi; nhóm chuyên gia của Bộ GD&ĐT phân tích kĩ thuật về đề thi, câu hỏi thi theo lý thuyết khảo thí…

Trước đó, ngày 8/3, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Cụ thể, về cấu trúc, đề Ngữ văn theo hình thức tự luận, thi trong thời gian 120 phút, gồm hai phần Đọc hiểu và Viết.

Các môn còn lại, hình thức thi là trắc nghiệm với ba phần. Phần I gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm với 4 phương án; yêu cầu thí sinh chọn một đáp án đúng. Thí sinh được 0,25 điểm nếu làm đúng mỗi câu.

Phần II gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý, thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Chọn chính xác, thí sinh sẽ được 0,1 điểm một câu; 0,25 điểm nếu đúng hai câu; 0,5 và 1 điểm nếu làm đúng 3 và 4 câu.

Phần III gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh tô chọn đáp án. Với môn Toán, mỗi câu đúng, thí sinh được 0,5 điểm; các môn khác là 0,25 điểm. Tổng điểm tối đa toàn bài thi trắc nghiệm là 10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Mikhail Bogdanov.

Tiết lộ cuộc thảo luận Moscow với HTS

GD&TĐ -Các nhà ngoại giao Nga tại Damascus đã gặp đại diện của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm đối lập đã nắm quyền ở Syria, để thảo luận một số vấn đề.