Xây dựng ngân hàng câu hỏi thể hiện tư duy khoa học, góp phần rèn giũa chuyên môn cho giáo viên (GV). Tuy nhiên, hoạt động này còn có khó khăn ở các nhà trường.
Vẫn tùy hứng, cảm tính
Nhiều GV khi chia sẻ về vấn đề này đều chung nhận định: Khó khăn lớn nhất trong xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá là thói quen “làm việc tuỳ hứng” của một bộ phận GV. Nhiều GV xây dựng đề kiểm tra đánh giá không theo ma trận, chỉ cảm tính, thấy ý này hay, ý kia tốt và cho vào đề. Thêm nữa, có GV chưa phân biệt được các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao), nên có khi câu hỏi ở mức độ hiểu lại xếp vào mức độ vận dụng,…
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, đề cập đến thực trạng GV chưa được tiếp cận nhiều đến quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi nên còn lúng túng khi thực hiện; chủ yếu là kinh nghiệm bản thân nên xác định các bước cần chuẩn bị, tiến độ thực hiện mang tính chủ quan.
Ngoài ra, thầy cô vừa phải đầu tư giảng dạy trong điều kiện dạy học trực tuyến, vừa soạn ngân hàng câu hỏi, dẫn đến thời gian đầu tư nghiên cứu bị giới hạn; từ đó tính chính xác, khoa học của nội dung chưa cao. Chưa kể đến, ngân hàng câu hỏi ngoài bảo đảm về nội dung còn phải có đủ độ lớn về số lượng để tăng tính khách quan khi kiểm tra, đánh giá nên việc thực hiện rất vất vả.
Thầy Trần Văn Hân cũng cho rằng: Mức độ phân hóa của câu hỏi để đánh giá năng lực tư duy suy luận, khái quát, sáng tạo của học sinh (HS); tránh chủ yếu đòi hỏi nhớ hoặc vận dụng ở cấp độ thấp là yêu cầu rất lớn, khó thực hiện với nội lực của nhà trường. Khâu thẩm định cũng khó khăn vì trong trường thường không có nhiều GV và năng lực không đồng đều, nên dù phân công soạn, thẩm định chéo nhưng hiệu quả không cao.
Vì phải bảo đảm yếu tố công bằng, khách quan thể hiện đúng năng lực học tập của HS, hạn chế yếu tố may rủi, nên áp lực với người ra đề rất lớn. Ngoài ra, yêu cầu kĩ thuật cũng quan trọng; việc đòi hỏi độ tương thích các phần mềm ứng dụng, tạo đồng bộ trong xây dựng và ứng dụng ngân hàng câu hỏi không dễ thực hiện…
Cần làm bài bản, nghiêm túc
Chia sẻ kinh nghiệm, cô Vũ Thị Dung, GV Trường THPT Xuân Phương, Hà Nội đặc biệt lưu ý cần bám sát ma trận khung của nhà trường từ đó xây dựng ma trận của môn học; xác định các vùng kiến thức trong phạm vi kiểm tra và phân bổ vào các ô mức độ nhận thức trong ma trận; cuối cùng, xây dựng câu hỏi bám sát ma trận. Nhà trường cần tập huấn kĩ cho GV về kĩ thuật xây dựng câu hỏi theo ma trận; hướng dẫn GV nhận biết chính xác các mức độ nhận thức.
Trong mỗi kì thi tập trung, đề chính thức được rút từ ngân hàng đề và nhà trường có thể mời GV chuyên môn tốt thẩm định lại đề trước khi in ấn. Khâu rút kinh nghiệm sau thi rất quan trọng để GV có thể nhận ra những tồn tại trong quá trình làm đề.
Tại Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Kế hoạch kiểm tra đánh giá được trường xây dựng sớm; phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên để chủ động xây dựng hệ thống câu hỏi, vừa bảo đảm chuẩn kiến thức kĩ năng, vừa phù hợp với HS và tình hình thực tế (kiểm tra trực tiếp hay trực tuyến, tránh ra vào nội dung đã tinh giản).
Nhà trường lập các nhóm song song (cùng chuyên môn) để xây dựng, thảo luận và đặc biệt là phản biện, lường đón, giải quyết các khả năng có đáp án, bảo đảm câu hỏi chuẩn về kiến thức, ngôn từ, đáp án chính xác... Sau đó, tổ chuyên môn, ban giám hiệu tiếp tục duyệt, phản biện. Trường thường xuyên tổ chức, tập huấn cho cán bộ, GV về phương pháp ra đề, ứng dụng công nghệ thông tin trong ra đề và tổ chức kiểm tra trực tuyến bảo đảm công bằng, khách quan, bảo mật thông tin...
Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp đã triển khai đến cán bộ, GV, nhân viên mục đích, yêu cầu cần phải xây dựng ngân hàng câu hỏi và từng bước chuẩn hóa trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kì, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuyên môn của trường.
Lãnh đạo trường phê duyệt, họp cùng từng nhóm chuyên môn triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng ngân hàng câu hỏi. Phân công xây dựng, thẩm định ngân hàng câu hỏi phù hợp năng lực chuyên môn của GV. Bảo đảm kế thừa câu hỏi hiện có và xây dựng bổ sung phù hợp với các hướng dẫn dạy học trực tuyến phòng chống Covid-19; đồng thời, bảo đảm phù hợp định hướng, điều kiện tổ chức kiểm tra, đánh giá của nhà trường, định hướng kế thừa kiến thức cho HS.
“Nhà trường luôn quan tâm tiến độ hoàn thành hệ thống câu hỏi theo kế hoạch và tạo đề kiểm tra theo ma trận, mức độ yêu cầu theo từng môn học. Thường xuyên nắm thông tin phản hồi từ GV chủ nhiệm, GV bộ môn, nhất là ý kiến của HS, phụ huynh để điều chỉnh kịp thời.
Tạo điều kiện thuận lợi để GV tham gia tập huấn, bồi dưỡng năng lực chuyên môn; nhất là khâu kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS. Khuyến khích tinh thần tự học, tự nghiên cứu của GV. Tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các trường bạn. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm trong kiểm tra, đánh giá HS, trong đó chú trọng chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng chuẩn hóa” - thầy Trần Văn Hân chia sẻ thêm.