Tạo môi trường để trẻ gần gũi và yêu sách

GD&TĐ - Đọc sách giúp thành tích học tập của học sinh tốt hơn, vốn từ vựng và khả năng diễn đạt... Rèn thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một việc làm vô cùng ý nghĩa.

Tạo môi trường để trẻ gần gũi và yêu sách

Bảo đảm không gian thoáng mát, an toàn, sạch sẽ

Để thu hút học sinh đến thư viện thì trước hết thư viện cần có không gian thoáng mát, sạch đẹp, tạo nên địa điểm thu hút nhất của nhà trường. Tại đây, học sinh có thể tham gia các hoạt động như đọc sách, tổ chức các trò chơi, viết vẽ, kể chuyện, giới thiệu sách. Phòng cần trang bị đầy đủ  quạt, bóng đèn, máy chiếu, kết nối mạng… để học sinh có thể xem phim tư liệu, các trích đoạn…

Ngoài ra khi bố trí các giá, kệ sách cần vừa tầm với học sinh để học sinh lấy sách thuận tiện. Để học sinh yêu thích thư viện thì trang trí trong thư viện cũng cần thể hiện tính mô phạm. Cần bài trí các góc (như góc trò chơi, góc tra cứu, góc viết vẽ…) thuận tiện, đẹp mắt; giờ mở cửa thư viện, lịch đọc, lịch mượn công bố trả rõ ràng để học sinh nắm được và thực hiện theo lịch tránh chồng chéo.

Sách trong thư viện được sắp xếp theo mã màu, giúp học sinh các lớp thuận tiện hơn trong việc tìm một cuốn sách phù hợp với trình độ đọc của bản thân. Ngoài ra, để học sinh dễ tìm đọc thì cán bộ thư viện và các cộng tác viên nên sắp xếp sách theo chủ đề. 

Đổi mới giới thiệu sách cho học sinh

Gia đình cũng góp phần rất lớn trong việc giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách. Vì thế ngay từ đầu năm học, trong buổi họp phụ huynh, giáo viên cần trao đổi với phụ huynh về tác dụng của việc đọc sách đối với các con. Khuyến khích phụ huynh tham gia đọc sách cùng con ở nhà vừa là để theo dõi việc học của con vừa tạo thói quen đọc sách cho con. Bên cạnh đó, hàng năm, trường nên tổ chức “Ngày đọc sách gia đình” và  tuần lễ “Phụ huynh đọc sách cùng con”…

Để học sinh biết được trong thư viện có những loại sách gì, có truyện gì hay mà tìm đọc thì hoạt động giới thiệu sách cần được tổ chức thường xuyên.

Nhà trường cần sáng tạo nhiều hình thức trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách như: Ghi trên bảng thông báo, điểm sách theo nội dung và trang bìa của sách dán trên thư viện hoặc một số vị trí mà học sinh thường xuyên chú ý, học sinh giới thiệu sách, giáo viên giới thiệu sách, phụ huynh giới thiệu sách, trưng bày sách trong tủ, giới thiệu sách mới theo chủ đề của nhà trường, giới thiệu thêm trong giờ chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt tập thể, ngày hội đọc sách.

Hoạt động giới thiệu sách có thể được tiến hành ở ngày hội đọc sách, ngày lễ lớn trong năm, ở thư viện, vào giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp...

Ở ngày hội đọc sách, hoạt động giới thiệu sách có thể do giáo viên, học sinh hay phụ huynh thực hiện. Vào giờ chào cờ, hoạt động giới thiệu sách có thể do cán bộ thư viện, ban giám hiệu nhà trường, đội cộng tác viên, giáo viên hay học sinh thực hiện.

Để tôn vinh học sinh đọc nhiều sách nhất của tháng, cũng có thể là của tuần thì vào giờ chào cờ, mời học sinh giới thiệu một cuốn sách mà em cho là hay, là thú vị nhất để cho các bạn khác biết tới.

Chính hoạt động này có ý nghĩa rất lớn, vừa tôn vinh được học sinh đọc nhiều sách nhất lại vừa khuyến khích được các em đến thư viện nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn. Hay ở một số tiết sinh hoạt lớp, giáo viên mời học sinh giới thiệu sách cho các bạn trong lớp cùng đọc... Các bài giới thiệu sách được cán bộ thư viện cho vào tập lưu trữ của hồ sơ thư viện và đưa vào tiêu chí thi đua.

Về giới thiệu sách, nhiều khi rất cần sự linh hoạt của người giáo viên. Để học sinh biết đến sách, giáo viên chú ý từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Ví dụ: Có khi vào giờ lao động, học sinh bắt được chuồn chuồn, mấy em xúm lại cầm ngắm chuồn chuồn. Giáo viên  hỏi các em: “Các em có biết vì sao mắt chuồn chuồn vừa to lại vừa tròn không?”, các em tò mò muốn biết.

Tôi mách nước: “Chuồn chuồn có đôi mắt kép rất đặc biệt, mỗi bên mắt chuồn chuồn đều có hàng  nghìn đôi mắt nhỏ bên trong. Nhờ có đôi mắt như vậy mà chuồn chuồn có thể nhìn được sự vật ở mọi hướng…” và tôi gợi ý các em: “Nếu các em muốn tìm hiểu thêm thì hãy vào thư viện trường tìm đọc cuốn sách “Mười vạn câu hỏi vì sao”, trong cuốn sách đó còn giải thích vô vàn những điều thú vị khác trong thế giới tự nhiên.

Nếu có sự đổi mới trong hoạt động giới thiệu sách thì lượt học sinh vào thư viện đọc sách cũng như mượn sách về nhà tăng lên rõ rệt. Các em siêng vào thư viện đọc sách vào các giờ ra chơi, đọc xong còn trao đổi với nhau về nội dung sách.

Số lượng học sinh tham gia giới thiệu sách cũng được tăng lên, không chỉ các em trong đội cộng tác viên, các em trong ban cán sự lớp mà cả các em bình thường khá rụt rè cũng phấn khởi tham gia. Trước thì giới thiệu trong các tiết đọc thư viện, sau thì giới thiệu trong giờ sinh hoạt lớp, giới thiệu trong buổi lễ chào cờ trước trường...

Đa dạng hóa các hoạt động khuyến đọc

Quản lý, cán bộ thư viện, giáo viên khai thác hết các hình thức hoạt động thư viện như tổ chức các hình thức đọc trong thư viện, thi kể chuyện theo sách, giới thiệu sách, thi đọc diễn cảm, đọc thuộc lòng theo chủ đề, trình bày sản phẩm đọc, vẽ theo sách, tổ chức ngày hội đọc sách gia đình...

Tiết hoạt động thư viện cần đưa vào thời khóa biểu nhà trường và chú trọng nâng cao chất lượng các tiết đọc sách thư viện. Thông qua các tiết đọc thư viện, các em dần hình thành  thói quen đọc sách, ngày càng đến thư viện đọc sách nhiều hơn. Ra chơi là các em đến thư viện, nghỉ là các em đến thư viện...

Với hoạt động thi kể chuyện theo sách, học sinh được lựa chọn các chuyện mà mình đọc được, yêu thích và kể lại. Hoạt động này sẽ khiến học sinh thêm hứng thú với việc đọc sách. Hoạt động kể chuyện theo sách không chỉ giúp các em đam mê đọc sách hơn, mà còn rèn các kĩ năng kể chuyện, diễn đạt, các em thêm tự tin, mạnh dạn hơn trước đám đông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.