Theo đó, tỷ lệ HS chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm số đông. Đây là căn cứ để các trường lên kế hoạch dạy và ôn tập giúp HS có sự chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Hoàn tất cho HS chọn bài thi tự chọn
Ngay từ đầu năm học hoặc kết thúc học kỳ I, các trường THPT đã có khảo sát với HS khối 12 về bài thi tự chọn. Phần đông HS vẫn ưu tiên cho bài thi KHTN.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), trong số 600 HS khối 12 của trường, chỉ có 92 em chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH). Dù tỷ lệ ít so với số HS chọn bài thi KHTN nhưng so với năm 2017, con số này đã tăng gấp đôi.
Tương tự, tại Trường THPT Thủ Đức, có khoảng 170 em chọn bài thi KHXH, còn lại số em chọn bài thi KHTN là 584 HS. Tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Phú Nhuận) có 740 HS trong đó có tới 85% em chọn bài thi KHTN.
Hay tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) có 707 HS lớp 12, phân thành 17 lớp, trong đó có tới 13 lớp khối tự nhiên và chỉ có 4 lớp theo khối xã hội. Tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1) có 424 học sinh chọn bài thi KHTN và 205 em chọn bài thi KHXH. So với năm 2017, số HS chọn bài thi KHXH tăng khoảng 30 em.
Cô Võ Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2) cũng cho biết, trường đã cho gần 500 HS khối 12 đăng kí dự kiến chọn bài thi từ đầu năm học, trong số đó có 2/3 em chọn bài thi KHTN, còn lại là bài thi KHXH.
Theo lãnh đạo nhiều trường, việc HS nghiêng về bài thi KHTN do tổ hợp này có nhiều ngành tuyển vào ĐH - CĐ để các em chọn lựa nên gia đình và bản thân các em đã định hướng học từ trước đó. Chỉ có những em thực sự thích thì mới chọn tổ hợp bài thi KHXH.
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho HS
Dù chỉ là khảo sát ban đầu, mang tính chất dự kiến, nhưng theo lãnh đạo các trường, gần như đây là những con số chính xác đến khoảng 97%. Vì vậy, các trường đều đã có kế hoạch dạy và ôn cho HS theo nguyện vọng cũng như năng lực của các em.
Cô Võ Thị Huyền cho biết, ngoài thời gian học chính khóa buổi sáng, ở buổi thứ hai, bên cạnh ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ học các tiết giống nhau, với các em chọn bài thi KHTN, trường sẽ tăng tiết các môn Lý, Hóa, Sinh lên và ngược lại các em chọn bài thi KHXH sẽ tăng tiết Sử, Địa, Giáo dục công dân lên.
Với những HS có học lực yếu, trường cũng đã tổ chức lớp ôn tập cho các em, giúp các em củng cố lại kiến thức đã học. Ngoài ra, cũng đã mời một số trường nghề đến để làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho các em để giúp các em có những lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT.
Riêng về lượng kiến thức của chương trình lớp 11, thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường Bùi Thị Xuân cho rằng, sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi minh họa, các tổ bộ môn của trường đã họp, phân công chuẩn bị tài liệu, đề cương ôn tập, bộ câu hỏi cho các em về nội dung của khối 11, song song với đó, HS sẽ vừa học, vừa ôn tập chương trình 12.
Tương tự, tại Trường THPT Trưng Vương, theo chia sẻ của cô Lê Tường Quyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hiện ngoài giờ học chính khóa, ở buổi 2 nhà trường có tăng tiết cho HS khối 12 rèn luyện trắc nghiệm môn Toán. Ngoài ra, từ đề xuất của các tổ chuyên sẽ thực hiện những chuyên đề tăng cường luyện tập phụ đạo bổ sung kiến thức cho HS.
Đặc biệt, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa, trường đã họp tổ chuyên môn để nghiên cứu, phân tích đề xem cấu trúc, lượng kiến thức ra sao, từ đó chuẩn bị để ôn tập cho HS ở phần kiến thức chương trình lớp 11.
Dự kiến, sau khi kết thúc học kỳ II, với ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, HS sẽ học theo lớp chính khóa của mình, còn với bài thi tự chọn, trường sẽ phân lớp theo khung giờ riêng, đảm bảo ôn tập tốt nhất cho HS trước khi bước vào kỳ thi quan trọng. Với những HS yếu, trường đã có trao đổi với phụ huynh để gia đình nắm tình hình cũng như tổ chức phụ đạo để bổ trợ kiến thức căn bản.
Bên cạnh việc học, ôn tập, trường đã triển khai công tác hướng nghiệp cho HS với các nội dung: Định hướng nghề cho các em sát với năng lực của mình, cung cấp những thông tin cụ thể về các trường, các ngành mà HS quan tâm…