Vô tâm, vô cảm sẽ vô ơn...
Đang múc súp vào cặp lồng để chuẩn bị thức ăn cho chồng, chị Nguyên (đường Bạch Đằng - Hoàn Kiếm - Hà Nội) nghe thấy điện thoại. Con trai gọi: “Sao mẹ về lâu thế? Bao giờ thì mẹ mới chịu vào? Mẹ vào chăm bố đi, ở đây con không thể nào chịu được…”. Kèm với tràng giục giã, gắt gỏng là tiếng con trai khóc trong điện thoại. Chị Nguyên tức giận sôi lên… “Con khóc rưng rức khi chăm bố bị ung thư trong Viện Huyết học. Một thằng con trai 22 tuổi mà hành xử không có một tí trách nhiệm nào với bố ruột của nó và như đứng ngoài cuộc trước nỗi khổ cực vất vả bươn bải mọi bề của mẹ…”.
Đau đớn và bất lực, chị Nguyên nức nở chia sẻ với người bạn thân đến thăm chồng mình về đứa con hư. “Sai lầm của tôi là bao năm qua đã quá bao bọc con, chăm chăm bảo vệ và dành cho nó mọi thứ. Nó đã quen ỷ lại, cho rằng việc cung phụng nó là điều đương nhiên, là trách nhiệm của cha mẹ. Nó đã không hiểu được sự hy sinh của tôi, không có lòng biết ơn công lao của cha mẹ. Đến tận giờ phút này, khi bố nó vừa mổ xong, đang thập tử nhất sinh mà nó vẫn cho rằng mẹ là người phải lo lắng, chu toàn mọi việc. Mấy tháng nay chạy vạy xoay xở, tôi kiệt sức rồi…”.
Khác với chị Nguyên, chị Lan Anh (giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng - Hà Nội) lại rất chú trọng việc dạy con về lòng biết ơn từ lúc các con còn nhỏ. Từ những việc nhỏ nhất như luôn phần đồ ăn cho người đi vắng, khi thì là bố bọn trẻ, khi thì bà nội hoặc đứa em con dì.
Chị chia sẻ: Sự chiều chuộng vô lối của nhiều gia đình hiện nay đã khiến nhiều đứa trẻ tưởng rằng chúng nghiễm nhiên có đặc quyền hưởng những thứ ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất. Trẻ sẽ không hiểu đó là tình yêu thương, là sự nhường nhịn và lớn lên chỉ biết yêu cầu, đòi hỏi từ người khác. Quen nhận mà không biết cảm ơn, biết ơn người đã dành cho mình trẻ sớm hình thành thói quen xấu, vô tâm, thiếu nhạy cảm trước cảm xúc của người khác, không biết yêu kính bậc trên, không quan tâm chăm sóc người thân.
Tạo cơ hội tỏ lòng biết ơn
Theo các chuyên gia tư vấn, dù vô cùng yêu thương con, các bậc phụ huynh cũng không nên để cho trẻ có thói quen đòi gì được nấy. Một yêu cầu của con dù nó cũng cần xem xét kỹ, nếu thấy hợp lý thì đáp ứng, còn không thì phải kiên quyết từ chối và giải thích cho trẻ hiểu vì sao yêu cầu đó không hợp lý. Hãy tạo cho trẻ cơ hội để hiểu rằng mọi thứ trên đời không phải tự nhiên mà có nên trẻ cần nỗ lực cố gắng mới có được thứ mình muốn.
Bố mẹ cũng nên biết cách “tâm sự”, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, công việc của chính bạn và gia đình với con mình. Tùy theo độ tuổi và sự hiểu biết của con, bố mẹ cần giúp con hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng mà luôn có thách thức và áp lực, để trẻ thấy mình được tôn trọng, con sẽ sống có trách nhiệm, biết chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và cả những khó khăn gian truân. Những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này thường sớm trưởng thành, có suy nghĩ chín chắn, biết nhìn cuộc sống một cách tích cực, biết phấn đấu và có lòng biết ơn.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Kim Hiền (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ:
Không cần quá cao siêu, cầu kỳ, các bậc phụ huynh hãy nói năng lễ phép, cử chỉ đúng mực, dành món ăn ngon nhất cho người cao tuổi trong gia đình ăn trước; dịp lễ tết tặng quà cho ông bà, bố mẹ; thường xuyên gọi điện thăm hỏi bố mẹ, ông bà nếu ở xa… là những hành vi đẹp và cụ thể, dễ lay động đến tâm hồn. Các con sẽ cảm nhận và học theo. Với con trẻ, sẽ vô tác dụng khi ta chỉ truyền dạy lòng biết ơn các đấng sinh thành bằng rao giảng lý thuyết suông. Trẻ chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ chính bố mẹ, những thầy cô giáo đầu tiên của cuộc đời mình.