Ngày 20/4, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII chính thức khai mạc tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Lễ khai mạc Ngày hội có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo các địa phương.
Ngày hội là nơi dẫn dắt, nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp
Phát biểu tại Ngày hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui đến dự sự kiện trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại TPHCM - thành phố Anh hùng trong đấu tranh, thành phố sáng tạo và hội nhập, thành phố tiên phong trong đổi mới và phát triển kinh tế.

Trong 7 lần tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự sự kiện 4 lần.
"Qua mỗi lần tổ chức, chúng ta đều chứng kiến những sự đổi mới đến từ phong trào khởi nghiệp của thanh niên, học sinh, sinh viên. Và điều không thay đổi chính là niềm đam mê, khát vọng, nghị lực, khí thế, tinh thần quyết tâm thể hiện qua từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của các bạn trẻ tại Ngày hội", Thủ tướng nói.
Suốt 7 năm qua, có thể khẳng định Ngày hội không chỉ là một sự kiện thường niên, mà còn là nơi từng giấc mơ, khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên dù là nhỏ bé nhất được soi đường, dẫn dắt, nuôi nấng và chắp cánh.
Đây là nơi hội tụ những trí tuệ trẻ, đầy khát vọng; nơi kết nối giữa giáo dục, doanh nghiệp và chính sách; nơi cùng nhau lan tỏa, tạo ra một hệ sinh thái, không gian khởi nghiệp phát triển bền vững.
Chúng ta tự hào khi thấy những ý tưởng của các bạn học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường đã được nuôi dưỡng thành hình; trở thành những mô hình, sản phẩm thiết thực, đóng góp tích cực cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và cho chính bản thân mình.

Thủ tướng cũng bày tỏ niềm vui khi biết sau 7 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), đến nay, 100% các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp và 63/63 Sở GD&ĐT đã có kế hoạch triển khai khởi nghiệp sáng tạo.
Hơn 42.000 dự án khởi nghiệp đã ra đời từ học sinh, sinh viên. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.500 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 480.000 lượt thanh niên tham gia với gần 23.000 ý tưởng khởi nghiệp…Nhiều bạn trẻ đã đứng ra tự thành lập doanh nghiệp, kêu gọi được vốn đầu tư, tạo ra việc làm cho chính mình và cho người khác.
Đặc biệt, có hàng nghìn học sinh, sinh viên đã viết tiếp những câu chuyện khởi nghiệp rất Việt Nam nhưng mang tầm vóc toàn cầu bằng những sản phẩm đã thay đổi cách chúng ta sống, học tập và làm việc: từ ứng dụng công nghệ trong y tế, nông nghiệp sạch, cho đến giải pháp số trong đời sống hàng ngày.
"Những kết quả ấy có được không chỉ nhờ sự nỗ lực của các bạn học sinh, sinh viên, mà còn là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Tôi biểu dương và đánh giá cao vai trò của Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng các đơn vị đã đồng hành suốt thời gian qua trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia", Thủ tướng phát biểu.

Cần giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải là "câu chuyện của ngày một, ngày hai" mà là cả một chiến lược lâu dài, cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện, không cầu toàn, không nóng vội.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt về tài chính, sở hữu trí tuệ, kết hợp mô hình công - tư, tạo điều kiện và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên phát triển ý tưởng và đưa sản phẩm ra thị trường; Phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên bằng nguồn xã hội hóa; Xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tại các địa phương và trường học.
Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa. Đồng thời, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn mới bảo đảm thiết thực, chất lượng.
Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông: cần tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần phát triển các phòng thí nghiệm hiện đại, hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm, khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ứng dụng.
Song song với những việc trên, các cơ sở giáo dục cần phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến và tài nguyên số, bổ sung chuyên đề khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình học. Đồng thời, nhà trường tăng cường kết nối doanh nghiệp và quỹ đầu tư khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới cố vấn, chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ; hỗ trợ giảng viên, học sinh, sinh viên đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm.
Ngoài ra, "3 nhà" Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp phải tăng cường kết nối. Trong đó, các doanh nghiệp hãy tích cực đặt hàng, đầu tư và đồng hành cùng sinh viên, hỗ trợ thực hành, thực tập và thương mại hóa ý tưởng; cùng nhà trường, truyền cảm hứng, đầu tư và dẫn dắt thế hệ trẻ.
Với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, nhất là khởi nghiệp sáng tạo; trọng tâm là phát triển năng lực khởi nghiệp tập trung vào 4 nhóm ngành ưu tiên chính là: công nghệ thông tin, an ninh mạng, dịch vụ kỹ thuật số; công nghệ y tế, giáo dục; công nghệ môi trường và năng lượng; nông nghiệp công nghệ cao.

Quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ
Với thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ, mỗi bạn trẻ hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp; đồng thời còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước.
Giới trẻ không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng, làm chủ công nghệ và dấn thân với “tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Đây là quá trình khó khăn, cần sự kiên trì, cần tinh thần bản lĩnh vượt qua khó khăn trở ngại, cần ý chí dám làm khác biệt, dám đương đầu với thử thách, dám vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, dám chấp nhận rủi ro để kiến tạo giá trị.
Quá trình này rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Tất cả cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái, một không gian khởi nghiệp, một hệ giá trị kết nối cộng đồng - cùng nhau thể hiện khát vọng vươn lên, nghĩ sâu làm lớn, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”.
"Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, với khát vọng, trí tuệ và sự dẫn dắt đúng hướng, các em học sinh, sinh viên hôm nay và 20 triệu thanh niên với tư cách là "người chủ tương lai của nước nhà" sẽ là những người tiên phong, nắm bắt khoa học công nghệ, đảm đương sứ mệnh lịch sử xác lập vị thế và tầm vóc của Việt Nam trong kỷ nguyên số; đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc", Thủ tướng nói.

Thay mặt Bộ GD&ĐT cùng Ban tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn sự hiện diện đầy ý nghĩa, sự quan tâm đặc biệt và những chỉ đạo sâu sắc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Sự ghi nhận của Thủ tướng về những kết quả đạt được trong 7 năm qua của Đề án 1665 cùng những định hướng, chỉ đạo và phát biểu tâm huyết của Thủ tướng không chỉ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên, mà còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với ngành Giáo dục cả nước.
"Thay mặt cho ngành Giáo dục và Đào tạo, tôi xin trân trọng tiếp thu đầy đủ và quán triệt, tổ chức triển khai hiệu quả nội dung chỉ đạo định hướng của Thủ tướng với tinh thần đã hứa là thực hiện, thực hiện với tinh thần thần tốc, táo bạo, không giới hạn để phát huy đầy đủ, các giá trị, tiềm năng của thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.