Tạo dựng cuộc chơi mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lần xuất hiện hiếm hoi tại Diễn đàn Kinh doanh BRICS tuyên bố, các nước trong khối gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đang xây dựng một hệ thống tài chính quốc tế mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo thông báo của ông Putin đưa ra qua video phát biểu tại diễn đàn ngày 22/6, nhóm 5 nước BRICS cũng đang phát triển cơ chế để tham gia mạng lưới thanh toán do Nga xây dựng mang tên SPFS (Hệ thống truyền tin tài chính), nhằm thay thế hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) phổ biến hiện nay.

Cuộc chơi tài chính mới do các nước BRICS đang xây dựng còn tiến thêm một bước khi cùng nhau thúc đẩy việc sử dụng một đồng nội tệ trong thương mại giữa 5 nước thành viên.

Việc ngân hàng các nước BRICS tham gia vào hệ thống thanh toán SPFS do Nga phát triển là một đòn “phản công” hiệu quả của Moscow đối với các biện pháp cấm vận của phương Tây hiện nay.

BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Nga và Brazil vốn chiếm hơn 40% dân số thế giới và gần 25% tổng sản lượng quốc nội (GDP) toàn cầu.

Do đó, việc các nước tạo ra cuộc chơi tài chính mới, tham gia chung hệ thống thanh toán sẽ có ý nghĩa đáng kể giúp Nga vượt qua các đòn trừng phạt nặng nề.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và khối này đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 45 tỷ USD. Nga cũng đang tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ với mức chiết khấu lớn.

Trong đó, nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5, vượt qua cả Ả-rập Xê-út để trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Bắc Kinh.

Trước đó, nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã lần đầu tiên áp dụng biện pháp trừng phạt là ngắt các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Đây được coi là biện pháp trừng phạt tài chính chưa từng có nhằm vào một quốc gia, nhằm làm suy yếu hoạt động xuất khẩu của Nga vì các nước mua hàng không thể thanh toán như bình thường.

Điều này đã gây khó khăn đáng kể cho Nga, làm gián đoạn nguồn thu từ xuất khẩu của Moscow. Nhưng Nga đã đối phó bằng nhiều cách như yêu cầu thanh toán bằng đồng Rubble và đặc biệt là xây dựng hệ thống thanh toán riêng SPSF để giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống tài chính quốc tế do phương Tây kiểm soát. Ngoài ra, một hệ thống thanh toán khác mang tên MIR cũng do Nga xây dựng cũng đang được mở rộng ra nhiều nước.

SPFS được Ngân hàng Trung ương Nga tạo ra vào năm 2014 như một giải pháp thay thế cho hệ thống SWIFT, khi Moscow phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây sau vụ sáp nhập bán đảo Crưm năm đó. Hệ thống này có chức năng tương tự như SWIFT và cho phép truyền thông điệp giữa các tổ chức tài chính theo cùng một định dạng.

Sau diễn đàn kinh tế BRICS, ngày 23/6 khối này cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến. Tổng thống Nga Putin tiếp tục tham gia sự kiện, trong đó nội dung chính vẫn là các vấn đề hợp tác kinh tế, chống lạm phát, đối phó với các cuộc khủng hoảng.

Một sân chơi chung mới về tài chính giữa các nước trong khối vẫn là chủ đề nổi bật của hội nghị thượng đỉnh BRICS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.