Do điều kiện tự nhiên khó khăn, địa bàn cư trú của người dân chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, tập tục canh tác lạc hậu nên cuộc sống của phần lớn đồng bào dân tộc Mảng vô cùng khó khăn. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Mảng và dân tộc Cống còn tới 56%, kết thúc năm 2019, hộ nghèo cũng chỉ giảm được vài hộ
Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc triển khai Đề án 1672 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, Nghị quyết số 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”… đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của đồng bào nơi đây. Trình độ nhận thức của một bộ phận bà con dân tộc Mảng đã được nâng lên, bà con đã tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Trần Văn Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải cho biết, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều mô hình phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo đã hình thành trong đồng bào như: Mô hình trồng dong riềng, nghệ và chăn nuôi gia súc tập trung ….
Ví dụ như, hộ gia đình ông Lù A Tiên ở bản Nậm Sảo 1, thuộc diện hộ nghèo của xã. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ cho trâu giống, xã, huyện cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên đàn trâu của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt. Không chỉ thoát nghèo mà gia đình ông Tiến được đánh giá là hộ khá giả của xã.
“Sau khi nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tổi tiếp tục phát triển thêm nuôi bò, dê; trồng thêm dong riềng, nghệ trong vườn nhà và trên nương. Hiện nay, đàn trâu, bò, dê phát triển được gần trăm con. Tiền bán gia súc cộng với dong riềng và nghệ mỗi năm cũng hơn một trăm triệu”, ông Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thật sự chăm chỉ làm ăn, còn tư tưởng trông chờ vào các nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ; bên cạnh đó, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Mảng còn hạn chế, nên rất khó khăn tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực tự vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã chủ yếu rơi vào các hộ dân tộc Mảng
“Chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho con em dân tộc Mảng sau khi được học và tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng hay đại học được tuyển dụng làm cán bộ công chức, trưởng các đoàn thể xã, để lớp trẻ có thể trực tiếp tác động, tuyên truyền cho đồng bào Mảng thì hiệu quả sẽ cao hơn”, ông Nam kiến nghị.
Chia sẻ thêm về cuộc sống của đồng bào Mảng, ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn nhìn nhận, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cũng đang giảm dần qua từng năm.
Tuy nhiên, so với các dân tộc khác trong vùng, kinh tế của các hộ gia đình người Mảng vẫn ở vị trí thấp, do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đồng bộ hơn, mức hộ trợ cao hơn, để đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay. Phải có chính sách, đề án riêng, nhất là những chính sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; xuất khẩu lao động; khoanh nuôi, trồng rừng hưởng lợi phí dịch vụ...;
“Không nên hỗ trợ trực tiếp mà nên hỗ trợ theo hình thức gián tiếp để tránh tính trông chờ, ỷ lại trong bà con. Có như vậy thì bà con mới dần vươn lên phát triển, thoát nghèo bền vững được”, ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn đề xuất ý kiến.