Tạo đà từ đầu năm học

GD&TĐ - Nhiều năm nay, ngành Giáo dục chỉ đạo ổn định nền nếp học tập ngay sau khai giảng năm học mới.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Khung kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024 của các địa phương hầu hết “chốt” thời điểm bắt đầu học kỳ I từ 6/9; một số nơi yêu cầu giảng dạy chính thức sớm hơn, từ 5/9, sau khi hoàn thành lễ khai giảng.

Có được sự bắt nhịp nhanh chóng như vậy cần công tác chuẩn bị từ trước đó. Không phải ngẫu nhiên, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh tựu trường sớm nhất trước khai giảng 1 tuần; riêng lớp 1 được tựu trường sớm nhất trước 2 tuần. Thời gian này thường được gọi là tuần làm quen (hoặc “tuần 0”), ngoài 35 tuần thực học.

Không học kiến thức mới, từ tựu trường đến khai giảng, cô và trò dành thời gian làm quen; biên chế lớp học; kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập; phổ biến nội quy trường lớp; rèn luyện thói quen và một số kỹ năng cần thiết; hướng dẫn cách học, chuẩn bị bài; củng cố kiến thức trước khi bước vào năm học mới…

Có được thời gian “rốt đa” này, việc ổn định nền nếp ngay ngày đầu năm học mới thuận lợi, hiệu quả hơn rất nhiều. Chưa kể hàng loạt công tác được chuẩn bị sớm như: Rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tu sửa, vệ sinh trường lớp… để sẵn sàng đón học sinh ngày tựu trường.

Với việc ổn định nền nếp, học sinh đầu cấp được quan tâm đặc biệt. Thông thường, nhà trường tổ chức cho các em tìm hiểu về truyền thống, chương trình giáo dục. Có nơi thậm chí mời cựu học sinh giỏi, thành đạt tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập, giúp trò nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học tập mới. Nhiều nơi chủ động bố trí thời gian ôn tập, bổ sung kiến thức chênh lệch giữa chương trình cũ và mới cho học sinh lớp 6, lớp 10 trước khai giảng.

Riêng học sinh lớp 1, môi trường mầm non lên tiểu học là thay đổi rất lớn. Cách tổ chức dạy học chuyển từ hoạt động chủ đạo vui chơi sang học tập. Cùng với đó, môi trường, nền nếp học tập, thầy cô, bạn bè đều xa lạ… nên trẻ cần nhiều thời gian để làm quen, thích ứng.

Đây cũng là lý do các địa phương đều tận dụng 2 “tuần 0” quý giá cho học sinh lớp 1. Cách làm khác nhau, tùy sự tìm tòi, sáng tạo của mỗi giáo viên, nhà trường, nhưng điểm chung đều giúp trò làm quen với môi trường mới một cách nhẹ nhàng, không gây “sốc”.

Nhờ vậy, khi chính thức bước vào năm học, trẻ cơ bản đã quen thầy cô, bạn bè; ổn định chỗ ngồi, tổ, nhóm… Thói quen tự phục vụ tại trường, nếp ăn uống, nghỉ trưa, cách thức đi vệ sinh; chuẩn bị đồ dùng học tập, mặc đồng phục đúng quy định; các kỹ năng cầm bút, ngồi viết… không còn quá bỡ ngỡ.

Mặc dù vậy, việc “ổn định ngay nền nếp học tập” cũng không nên hiểu, thực hiện quá cứng nhắc. Đơn cử, sử dụng “tuần 0” để dạy học trước chương trình có thể gây phản tác dụng, khiến học sinh áp lực, ảnh hưởng đến tâm thế bước vào năm học mới…

Do đó, giáo viên cần có cách làm riêng, sáng tạo để tiết học diễn ra nhẹ nhàng, bắt nhịp với bài học không quá căng thẳng. Có thể bằng cách khởi động bài dạy với trò chơi phù hợp; các hoạt động văn nghệ, trò chơi giữa giờ… Ấn tượng đẹp với bài học đầu tiên, ngày học đầu tiên là khởi đầu cần có để tạo tâm thế tốt nhất cho một năm học hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ