Tạo đà cho họa sĩ trẻ cất cánh

GD&TĐ - Các nghệ sĩ trẻ ngày nay được tạo nhiều điều kiện về không gian, địa điểm tổ chức, truyền thông... nên họ chỉ cần sáng tạo hết khả năng của mình.

Triển lãm Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ đem đến cho công chúng những trải nghiệm thú vị. Ảnh: NVCC.
Triển lãm Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ đem đến cho công chúng những trải nghiệm thú vị. Ảnh: NVCC.

Dù là triển lãm thường niên nhưng mỗi dịp trở lại, sân chơi của Câu lạc bộ Họa sĩ Trẻ (Hội Mỹ thuật Việt Nam) luôn có nhiều yếu tố bất ngờ để góp phần tạo đà cho họa sĩ trẻ cất cánh.

Cùng Báo Giáo dục & Thời đại trò chuyện với Chủ nhiệm Câu lạc bộ - họa sĩ Lê Anh - về triển lãm vừa diễn ra tại Hà Nội.

- Cuộc chơi dành cho họa sĩ trẻ năm nay có điều gì thú vị, thưa chị?

Họa sĩ Lê Anh: Có thể nói, triển lãm là cuộc chơi có nhiều yếu tố bất ngờ khi: “Sự chuẩn bị là không chuẩn bị gì cả”. Cũng vì, nghệ sĩ trẻ trong những năm gần đây chuẩn bị rất nhiều rồi, nhiều người đã trưởng thành và ở sẵn trong mạch sáng tác riêng.

Hơn nữa, công việc sáng tác nghệ thuật đã trở thành nghề và nghiệp không thể tách rời. Họ luôn sáng tạo và luôn có những tác phẩm mới xoay quanh câu chuyện tự vấn cá nhân, các vấn đề đặt ra trong mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội để sẵn sàng cho triển lãm.

Tuy nhiên, triển lãm năm nay còn hạn chế về không gian. Trong điều kiện nghệ sĩ trẻ ngày càng đông, họ sáng tác ở các khuôn khổ lớn nên cần không gian rộng để thỏa sức bùng nổ…

- Theo chị, họa sĩ trẻ đang được hưởng lợi gì từ sân chơi?

tao da cho hoa si tre cat canh 1.jpg
Họa sĩ Lê Anh

Hoạt động dưới sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam nên các sự kiện do câu lạc bộ tổ chức luôn đảm bảo độ tin cậy và nhận được sự quan tâm, chỉ bảo từ nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng.

Với triển lãm này, nghệ sĩ trẻ được làm quen, gặp gỡ trao đổi chuyên môn, giới thiệu tác phẩm đến công chúng.

Cùng với đó, ngoài các nghệ sĩ hoạt động đồng hành thường xuyên cùng câu lạc bộ, từ triển lãm, chúng tôi còn tìm kiếm những gương mặt mới và là cầu nối để giới thiệu họa sĩ trẻ trở thành thành viên chính thức trong ngôi nhà Hội Mỹ thuật Việt Nam.

- Vậy họ cần có trách nhiệm như thế nào với sân chơi này?

Mỗi cá nhân nghệ sĩ khi tạo được sự chú ý nhất định thì họ cần tự chịu trách nhiệm khi trưng bày tác phẩm. Tâm huyết hay hời hợt, đẹp đẽ hay xấu xí – tất cả đều phô bày khi ra triển lãm và sân chơi này có thể khiến tác phẩm đó nổi bật hay mờ nhạt.

Nếu đem đến tác phẩm không hay, không có sự mới lạ thì tự họ mất đi vị thế và chỗ đứng trong giới chuyên môn. Vì vậy, nghệ sĩ trẻ cần được trao quyền quyết định đồng thời chịu trách nhiệm nhiều hơn trước tác phẩm được triển lãm, giới thiệu tới công chúng.

Bên cạnh đó, với vai trò là hội viên của Hội Mỹ thuật, nếu họ không có sáng tạo nghiêm túc, hoặc chưa đúng với tiêu chí đặt ra thì câu lạc bộ có quyền quyết định loại. Điều đó nâng cao trách nhiệm và sự cân nhắc kỹ càng của Ban Chủ nhiệm trong việc lên kế hoạch tổ chức, tìm kiếm lựa chọn tác phẩm.

- Mong muốn của chị về đổi mới công tác tổ chức triển lãm sao cho hiệu quả hơn?

Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Hội Mỹ thuật Việt Nam không phải là đơn vị hoạt động chỉ riêng ở Hà Nội mà còn tập hợp họa sĩ ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Để làm được triển lãm đúng nghĩa, theo tôi, tối thiểu cần có sự hỗ trợ về vận chuyển, công tác tổ chức và đội ngũ hỗ trợ.

Tuy Hội đã tạo điều kiện hết sức có thể nhưng điều đó dường như vẫn chưa đủ khi hầu hết các thành viên là những nghệ sĩ mới bước chân ra từ trường lớp hay thậm chí đang là sinh viên. Họ chưa thể sống tốt hoàn toàn bằng nghề. Họ cần sự hỗ trợ nhiều hơn để cất cánh nhanh hơn.

Triển lãm vừa là hoạt động thường niên để nghệ sĩ trẻ có cơ hội giới thiệu tác phẩm của mình ở sân chơi lành sạch vừa là nơi tạo đà cho các nghệ sĩ được nâng đỡ, bay xa hơn. Đồng thời với đó, các nghệ sĩ cũng nên chung tay tiếp sức cùng câu lạc bộ và Hội để đưa phong trào sáng tác phát triển, rực rỡ hơn cả về chất và lượng.

tao da cho hoa si tre cat canh.jpg
Tác phẩm đồ họa 'Tinh cầu' của họa sĩ Trịnh Ngọc Lê. Ảnh: NVCC.

- Theo chị, môi trường sáng tạo và sân chơi đưa tác phẩm tiếp cận với công chúng của họa sĩ trẻ hiện nay như thế nào?

Các nghệ sĩ trẻ ngày nay được tạo nhiều điều kiện về không gian, địa điểm tổ chức, truyền thông sự kiện nên họ chỉ cần sáng tạo hết khả năng của mình. Với số lượng hoạt động nghệ thuật ngày càng đông, việc được tự do “bơi” ở những sân chơi lớn là cần thiết để họ có cơ hội thể hiện hết khả năng và sự sáng tạo phong phú của mình.

Về cơ bản, ngoài sân chơi thường niên của câu lạc bộ, tại cơ sở cũng có các hoạt động tuy tổ chức ở không gian nhỏ nhưng được hỗ trợ kinh phí cũng đáp ứng được phần nào các điều kiện, giúp họ có cơ hội giới thiệu tác phẩm.

Và từ cái nôi trưởng thành của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ là Hội Mỹ thuật, sự cộng tác đồng tổ chức giữa các trung tâm, đơn vị hay doanh nghiệp là cơ hội tốt hơn đối với các nghệ sĩ trẻ.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Lê Anh!

Triển lãm Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ 2024 diễn ra từ ngày 5 – 14/7, tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, có sự góp mặt của 45 nghệ sĩ trẻ với gần 70 tác phẩm đa dạng về thể loại, chất liệu.

Các tác phẩm phản ánh suy nghĩ, cảm xúc cùng sự khám phá ngôn ngữ, cách thực hành nghệ thuật từ nhiều góc độ chiêm nghiệm, đi sâu vào đời sống thực tế của mỗi họa sĩ. Có thể kể đến một số tác phẩm như: “Độc miệng” (Nguyễn Nhật Anh), “Tinh cầu” (Trịnh Ngọc Lê), “Loạt khởi đầu” (Vàng Hải Hưng), “Dòm” (Nguyễn Ngọc Long), “Người trong đô thị I, II” (Đan Quốc Chính), “Phong cảnh điểm mười” (Vũ Hoàng), “Trung Vân” (Nguyễn Hùng Mạnh)…

“Tham gia triển lãm, tôi được bày tỏ quan điểm nghệ thuật và công chúng đón nhận. Đây cũng là sân chơi để tôi học hỏi, giao lưu từ đó tạo động lực cố gắng, có nhiều tác phẩm chất lượng”, họa sĩ Trịnh Ngọc Lê bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.