Từng hoài nghi về việc theo đuổi đề tài văn hóa – lịch sử cũng như năng lực bản thân. Thế nhưng khi bước qua những rào cản, cốt lõi của văn hóa Việt được họa sĩ kết tinh như những giọt sương đêm thật đẹp, thật lung linh.
Từ “kỳ ẩn” đến “từ tính”
Thông tin từ Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, từ ngày 13 – 28/7 tại Nhà Thái học sẽ diễn ra triển lãm “Từ tính tứ linh” - bộ sưu tập tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ, giới thiệu các linh thú trong văn hóa lịch sử Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ cho biết, bộ sưu tập “Từ tính tứ linh” tập trung ở 4 triều đại tiêu biểu: Lý, Trần, Hậu Lê, và Nguyễn. Bắt đầu từ sự hình thành nghệ thuật Việt độc lập – nhà Lý, từ giao ban chính trị, tiếp biến văn hóa và giao lưu hữu thức với nền nghệ thuật Champa, cho đến triều đại phong kiến cuối cùng – nhà Nguyễn.
Các linh thú bắt đầu xuất hiện, hoàn thiện về mặt thẫm mĩ, có thể thấy trong kiến trúc và điêu khắc, và tồn tại gắn liền trong đời sống, tôn giáo tín ngưỡng của người Việt.
Giải thích về tên triển lãm, họa sĩ cho rằng “Từ tính” là đại diện cho nét khoan hòa, dung dị kín đáo và gần gũi với con người nhờ tín ngưỡng thờ tổ tiên, tiếp thu Phật giáo và Nho giáo.
“Tứ linh” gồm “long, lân, quy, phụng”, ngoài ra trong văn hóa tín ngưỡng người Việt còn xuất hiện nhiều linh thú khác, kể cả những con vật gần gũi với con người, như: Chó, ngựa, mèo, trâu… Đây cũng là nguồn cảm hứng để nghệ sĩ được kể nhiều hơn các câu chuyện, những sự tích, những quan niệm cổ xưa hình thành nên tín ngưỡng của người Việt còn lưu giữ cho đến ngày nay.
Nguyễn Thanh Vũ sinh năm 1995, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Từ nhỏ, Vũ đã có niềm đam mê lớn với hội họa sơn dầu. Anh theo đuổi trường phái hậu ấn tượng để truyền tải sự mạnh mẽ, giàu sức sống, nhiệt huyết cũng như tươi trẻ và bình yên trong những tác phẩm.
Năm 2022, cũng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Vũ có triển lãm đầu tay với 20 bức tranh “Kỳ ẩn Việt Nam”, giới thiệu những kiến trúc cổ ở khắp mọi miền đất nước. Có những công trình vẫn sừng sững với thời gian, số khác từ lâu đã ẩn mình, những gì còn lại chỉ là nền móng và dĩ vãng trong sách vở.
Dưới góc nhìn của hội họa, kiến trúc các công trình khoác lên một lớp áo khác, vừa sinh động, mạnh mẽ lại vừa trầm tư, tĩnh lặng.
Với quan niệm hội họa là loại hình quan trọng của văn hóa và phản ánh tính chất của thời cuộc, Nguyễn Thanh Vũ đã làm “hồi sinh” những điều tưởng như đã cũ, những di tích tưởng như đã bị quên lãng. Con người ta sống để chứng kiến cuộc đời, còn kiến trúc sống để chứng kiến con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành và đi về với cát bụi.
Trong “Kỳ ẩn Việt Nam”, Nguyễn Thanh Vũ đã hội tụ từ Vương cung thánh đường Sở Kiện đến chùa Linh Ứng, từ Nhà thờ Lớn đến chùa Bà Đanh, từ Văn Miếu đến đầm Cầu Hai… Tất cả đều được thể hiện rõ trong từng câu chuyện, kể cả từng giai thoại nhuốm màu kỳ bí huyền sử.
Sau triển lãm đầu tay ấy, đến “Từ tính tứ linh” Nguyễn Thanh Vũ vẫn có cảm giác hồi hộp y nguyên. Tuy nhiên, họa sĩ đã tự tin hơn cả về chất lượng lẫn độ đầu tư. Anh đã trải nghiệm và thực tế không gian kiến trúc cũng như hiện vật của từng thời kỳ, để tìm ra những câu chuyện và cả những ý nghĩa riêng biệt của từng chi tiết linh thú mà cha ông đã tạo dựng.
Linh thú trong huyền sử Việt
Với 41 bức tranh trong bộ sưu tập “Từ tính tứ linh”, Nguyễn Thanh Vũ mất đến 2 năm để hoàn thành. “Thực ra, tôi hoàn toàn có thể tổ chức triển lãm với số lượng tranh có được sau 1 năm, nhưng như vậy không đủ chuyên sâu. Tôi cần thời gian để nghiên cứu và sáng tác, nói chuyện một số nhà văn hóa để nạp cho bản thân nhiều tinh thần mới”, họa sĩ cho hay.
Ở tác phẩm “Kim Long”, Nguyễn Thanh Vũ mô tả linh vật rồng ở mỗi triều đại đều có những hình dáng khác nhau, từ thời Lý đến thời Nguyễn – hình tượng rồng đã thay đổi rất nhiều bởi tác động văn hóa bản địa và khu vực (Champa, Trung Hoa), song đều thể hiện vẻ đẹp uy quyền và thống trị vốn có của một đế quốc phương Nam.
Kim long được vẽ theo hình tượng rồng thời Nguyễn, là hình tượng rồng điển hình vẫn giữ những nét đẹp do kế thừa tinh hoa truyền thống và gần gũi nhất với dân tộc Việt Nam. Từ việc nghiên cứu tư liệu và khảo sát rất nhiều địa danh, không thể phủ nhận độ phủ sóng của rồng thời Nguyễn hầu như đa số ở các kiến trúc và điêu khắc, trang trí.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ nói rằng: “Không quá khó để vẽ một con rồng nhưng mỗi nơi tôi đặt chân đến, mỗi hình tượng rồng ngắm qua và cảm nhận đều có dấu ấn và xúc cảm riêng. Bởi vậy, tôi chỉ muốn vẽ những đường nét đơn giản, tự nhiên không gò bó hay trau chuốt, lớp lang bút pháp cùng hệ thống với các linh thú khác, mắt rồng vẫn nhắm, nhưng sáng rực, đủ để hắt sáng lên cả người đối diện”.
Ở tác phẩm “Hỏa phụng”, họa sĩ vẽ chim phượng như một dạng hóa thạch đang chuyển động trên nền họa tiết triều Nguyễn. Điểm nhấn nằm ở ánh sáng trên đỉnh đầu, chạy theo cổ xuống cánh và đuôi.
Họa tiết trong “Hỏa phụng” được lấy cảm hứng từ nghệ thuật khảm sành và chạm khắc gỗ của triều đại này, đặc biệt là hai màu chủ đạo của “sơn son thếp vàng” - đỏ của quyền lực và vàng của sang quý.
Linh thú không phải một đề tài mới, nhưng qua ý niệm và nét vẽ của Nguyễn Thanh Vũ, người xem thấy những “từ tính”, thấy những linh thú đã vượt thoát khỏi nội hàm động vật để trở thành những linh vật thiêng trong quan niệm, tưởng tượng và tín ngưỡng hóa cả ở góc độ huyền sử và lịch sử.
“Tôi quan niệm hội họa cũng là văn hóa và phản ánh đúng tính chất của thời cuộc, nên đưa hơi thở của thời đại mới vào chủ đề không mới – như linh thú, đó là chuyện phải làm. Thậm chí, với công nghệ và nền tảng tốt như hiện nay, nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là làm mới cái cũ, mà còn phải bứt phá. Tôi vẽ theo những cảm xúc đó, sử dụng những vết loang lổ để tạo nên phong cách riêng của bộ sưu tập ‘Từ tính tứ linh’”, họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ cho biết.