Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng học sinh giỏi quốc gia

GD&TĐ - Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm trong thi học sinh giỏi...

4 học sinh Việt Nam giành Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2022.
4 học sinh Việt Nam giành Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2022.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), kết quả tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và thành tích của học sinh Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế những năm qua có được do nhiều yếu tố, song về cơ bản, có thể đúc kết thành 5 bài học kinh nghiệm.

5 bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, đây là thành quả của chính sách đúng đắn và chiến lược phù hợp của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua; sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ đối với công tác này. Trên cơ sở đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà để tạo điều kiện làm tốt chất lượng mũi nhọn, Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với các học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia.

Ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam cho các học sinh đoạt giải Olympic khu vực, quốc tế, tạo động lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao của học sinh và các nhà trường.

Thứ hai, những đổi mới căn bản đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD&ĐT. Cụ thể là: Tiếp tục tổ chức sớm Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực.

Tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong thi chọn đội tuyển Olympic môn Tin học đã triển khai áp dụng thi, chấm như hình thức tổ chức thi của Olympic Tin học khu vực và quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp coi thi, chấm thi các vòng thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh, chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, đổi mới, tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc giới thiệu để phục vụ cho việc ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng đề thi của kỳ thi. Tiếp tục mở rộng phạm vi tham gia các hoạt động chuyên môn của kỳ thi, tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực để nâng cao hiệu quả tổ chức thi, tập huấn các đội tuyển Olympic. Thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với lãnh đạo phụ trách từng khâu của kỳ thi để bảo đảm tính độc lập, chủ động và nghiêm túc, khách quan trong chỉ đạo tổ chức thi.

Thứ ba, những nỗ lực, cố gắng vượt khó vươn lên; đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các học sinh trong các đội tuyển quốc gia.

Thứ tư, chiến lược phù hợp và công lao của các nhà trường trong dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi; đặc biệt là tâm huyết và sự tận tụy của các thầy, cô giáo ở các trường THPT chuyên, các thầy, cô giáo, các nhà khoa học tham gia tập huấn đội tuyển, đưa đội tuyển tham gia dự thi các kỳ thi.

Thứ năm, sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí đã kịp thời đưa tin, cổ vũ, động viên các em học sinh đoạt giải, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, và động lực phấn đấu học tập, rèn luyện đối với đông đảo học sinh, sinh viên trên cả nước.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại Hội nghị về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại Hội nghị về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Tác động mạnh đến dạy và học

PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết: Thực hiện nghiêm túc Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hiện hành, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hằng năm, nhất là kỳ thi từ năm 2013 đến nay, được tổ chức công bằng, đảm bảo chính xác, khách quan, chọn đúng học sinh giỏi.

Kết quả thi phản ánh đúng thực tế chất lượng dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc và góp phần nâng chất lượng của các đội tuyển quốc gia tham dự Olympic khu vực và quốc tế.

Kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam luôn có chuyển biến tiến bộ cả về số lượng và chất lượng theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Một số đội tuyển có thành tích ổn định, đoạt nhiều giải cao, xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi (đội tuyển Toán, Hóa học, Vật lý và Tin học).

“Có thể nói, kết quả tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và dự thi Olympic khu vực, quốc tế hằng năm đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt học tốt của các nhà trường phổ thông, nhất là các trường THPT chuyên, góp phần quan trọng thực hiện Đề án trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 và mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Việc lựa chọn đúng học sinh chất lượng, có kết quả thi tốt, có nhiều triển vọng vươn xa tại các địa phương để tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia là rất quan trọng và cần đặc biệt quan tâm, minh bạch. Có như vậy mới có thể cạnh tranh và đồng đều giữa các địa phương và xa hơn là phong phú nguồn để tham gia các cuộc thi quốc tế”, PGS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.

Ngày 13/5, tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số vụ, cục thuộc Bộ; hơn 300 đại biểu từ 63 sở GD&ĐT và các ĐH, trường ĐH có trường THPT chuyên; các chuyên gia, nhà khoa học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ