Đôi bạn cùng tiến
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2022-2023, Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên là trường không chuyên duy nhất trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 2 em học sinh đạt giải môn Lịch sử.
Đó là em Trần Thị Đào đạt giải Nhì và em Bàn Kim Thư đạt giải Ba. Cả 2 em đều là học sinh lớp 12A5. Bàn Kim Thư là người dân tộc Dao và Trần Thị Đào là người Kinh. 2 bạn cùng có chung sở thích học Lịch sử và cùng chứng minh sức hấp dẫn của môn học này.
Cô giáo Phạm Thị Hồng, là giáo viên chủ nhiệm vừa là giáo viên bồi dưỡng cho đôi bạn này cho biết: Cả 2 em đều sinh ra và lớn lên ở Thôn khe Quýt, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trong những gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn. Em Bàn Kim Thư là người dân tộc Dao, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con. Thư học hết THCS thì ông nội em bệnh nặng, nhà bán hết tài sản không cứu được ông nên đã tính dừng không cho em đi học THPT. Hoàn cảnh gia đình như tiếp thêm nghị lực để học và học thật giỏi.
Bàn Kim Thư tâm sự: “Em biết rằng chỉ có học mới thoát nghèo, vì thế em đã đi học bằng mọi giá”.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái tặng hoa chúc mừng các em học sinh và giáo viên. |
Còn với Trần Thị Đào là con gia đình hộ nghèo, có bố tật nguyền không có khả năng lao động. Vì bé nhỏ và học giỏi nên ở lớp em còn có cái tên “Hạt gạo”. Mỗi khi nhà trường mời họp Đào lại vượt hơn mười lăm cây số về nhà đón mẹ em lên trường, vì mẹ không biết đi xe. Nhiều khoản đóng góp của em do Cô Hồng giúp đỡ. Có lẽ khó khăn là động lực để đôi bạn nghèo người dân tộc Dao – Kinh cùng nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập. Niềm vui được chắp thêm cánh khi tình yêu với môn Lịch sử đã đưa 2 bạn cùng đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Cô giáo là người truyền lửa
Được biết đôi bạn Bàn Kim Thư và Trần Thị Đào là đôi bạn cùng tiến từ những năm đầu tiên đi học, và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và thường xuyên là nòng cốt trong các đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Bước vào ngôi trường THPT Chu Văn An, khi mọi thứ còn xa lạ và bỡ ngỡ, các em đã được dìu dắt bởi cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Hồng, cũng chính là cô giáo giảng dạy môn Lịch sử ở lớp các em. Trong suy nghĩ của các bạn: Nhờ có đam mê học tập và câu chuyện “Mẹ Hồng” qua các anh chị đi trước mà các em vững tin đến trường.
Lãnh đạo huyện Văn Yên và Sở GD&ĐT đến thăm nhà học sinh người dân tộc Dao, em Bàn Kim Thư. |
Khi nói đến dấu ấn của những ngày đầu tiên học ở bậc THPT, các em chia sẻ: Cô giáo chủ nhiệm đã phát hiện, khơi dậy niềm đam mê khám phá kiến thức của bộ môn Lịch sử cho chúng em. Từ những tiết học đầu tiên, với sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề và say sưa của cô giáo Phạm Thị Hồng đã giúp cho chúng em thấy tự tin và thực sự đã bị cuốn hút vào các tiết dạy của cô, và cũng từ đó cô trở thành người mẹ thứ hai, luôn chăm lo, quan tâm không chỉ dạy kiến thức, kinh nghiệm cho các em mà còn truyền ngọn lửa đam mê, cũng như niềm tin để các em có thể phát huy hết khả năng và đạt được những thành tích cao nhất của mình.
Cô giáo Phạm Thị Hồng chia sẻ: “Ngay từ khi được nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 10A5, tôi đã xác định việc nâng cao hiệu quả bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn là yêu cầu, mục tiêu đối với cô và trò. Tôi đã tìm hiểu, phát hiện và không ngừng chăm lo, bồi dưỡng cho các em. Một trong những nhân tố góp phần quyết định là luôn dành tình yêu thương các em như mẹ yêu con, thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, suy nghĩ và nguyện vọng của các em, để thắp lên trong các em những khát vọng tương lai phù hợp với khả năng và điều kiện. Trong tình yêu thương, chia sẻ, được truyền ngọn lửa đam mê môn học thì các em sẽ luôn phát huy sáng tạo, không ngừng rèn luyện để đạt được những thành tích cao nhất có thể”.
Là một giáo viên có 26 năm công tác, đặc biệt là giáo viên cốt cán của Ngành giáo dục Yên Bái, Cô Phạm Thị Hồng đã có nhiều học sinh đạt giải quốc gia. Trong nhiều năm qua, có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, là học sinh hộ nghèo, dân tộc thiểu số được cô Phạm Thị Hồng cưu mang, giúp đỡ và bồi dưỡng. Qua những câu chuyện như thế Cô Hồng được nhiều thế hệ học sinh yêu mến môn Lịch Sử trong cả vùng biết đến ngay từ khi các em đang học THCS vì thế mà các em sẽ đến trường học. Tất cả các em học sinh đều gọi cô Hồng bằng cái tên quen thuộc, thân thương “Mẹ Hồng”.