Hội nghị là dịp để các địa phương cùng đánh giá lại tình hình phát triển GD-ĐT vùng giai đoạn 2011 - 2022 và thực hiện nhiệm vụ, đề ra giải pháp phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục
Những năm qua, Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về GD-ĐT. Nhờ đó, chất lượng GD-ĐT từng bước được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống trường, lớp học được củng cố, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết địa bàn từ nội thành đến ngoại thành, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho trẻ trong độ tuổi giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều được đi học và đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã đều có trường mầm non và tiểu học; hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở (THCS); các huyện, thành phố đều có ít nhất 1 trường trung học phổ thông (THPT). Nhiều địa phương đã xây dựng trường THCS, THPT liên xã. Theo số liệu thống kê, năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (giảm 504 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông so với năm học 2010 - 2011).
Các địa phương đã chú trọng công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cả ba cấp học đều gia tăng. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp tiểu học là 99,9% (tương đương so với bình quân của cả nước và các vùng kinh tế - xã hội khác).
Triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông gia đoạn 2018 - 2025”, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo và chủ động thực hiện phân luồng học sinh bằng nhiều biện pháp phù hợp với thực tế. Kết quả: Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lên học THPT có xu hướng giảm; tỷ lệ học sinh chuyển cấp từ THCS vào giáo dục thường xuyên có xu hướng tăng dần; số lượng học sinh học nghề ngày càng tăng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu việc làm của các địa phương.
Các tỉnh, thành phố trong vùng luôn coi việc phát triển kết cấu hạ tầng ngành giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ và hiện đại. Kết cấu hạ tầng các cấp học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học tăng dần qua các năm. Năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 138.270 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố là 117.397 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 84,9% (thấp hơn 0,5% so với bình quân chung cả nước).
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và CSDL ngành |
Khó khăn hiện hữu
Mặc dù kết cấu hạ tầng các cấp học đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, vẫn còn 1.036 phòng học nhờ, mượn (chiếm 17,4% tổng số phòng học nhờ, mượn trên cả nước), tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt 53,2% (thấp hơn 0,1% so với bình quân cả nước, đứng thứ tư trong sáu vùng kinh tế - xã hội của cả nước, sau vùng Tây Nguyên (61%) và vùng Đông Nam Bộ (60,6%) và vùng Đồng bằng sông Hồng (54,9%).
Từ năm học 2022 - 2023, Tin học và Ngoại ngữ là 02 môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đối với phòng học bộ môn Tin học số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, được trang bị từ lâu, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới, tiên tiến để đáp ứng yêu cầu dạy học. Đối với phòng học bộ môn Ngoại ngữ, số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.
Ảnh minh họa/ INT |
Nhà vệ sinh, các công trình nước sạch và các công trình phụ trợ phục vụ học sinh bán trú đã được quan tâm đầu tư bổ sung, cải tạo, sửa chữa theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tỷ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn là 64,1% (thấp hơn bình quân cả nước là 5,3% và đứng thứ ba trong sáu vùng kinh tế - xã hội của cả nước, sau vùng Đồng bằng sông Hồng (87,5%) và vùng Đông Nam Bộ (77,3%).
Tiếp tục đổi mới
Giai đoạn tiếp theo, các địa phương trong vùng đặt mục tiêu: Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng không ngừng được nâng cao; khoảng cách về chất lượng giáo dục, đào tạo giữa các địa phương dần được thu hẹp và tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước.
Cụ thể, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, đảm bảo cho trẻ em được hình thành nền tảng ban đầu cho những phẩm chất và kỹ năng sống cơ bản; tăng cường phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng.
Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2030, huy động được ít nhất 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non hằng năm tăng từ 1% trở lên; 100% trẻ em mầm non được học 2 buổi/ngày. 100% địa phương trong vùng hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Các địa phương phấn đấu đến năm 2030 đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, 100% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. Phấn đấu đến 2030, 60% trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong vùng. Ảnh minh họa/ INT |
Với GD phổ thông, phát triển mạng lưới bảo đảm điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là ở vùng có khu công nghiệp. Duy trì hệ thống giáo dục phổ thông công lập, khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở giáo dục phổ thông tư thục nhằm tạo cơ hội và điều kiện tiếp cận giáo dục cho học sinh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong vùng. Duy trì ổn định chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Phấn đấu đến năm 2030, 70% số tỉnh trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% số tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 95% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông và tương đương.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 90%, trung học cơ sở khoảng 80% và trung học phổ thông khoảng 60%.
Thực hiện tốt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025; nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Phấn đấu đến năm 2030, 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT hệ giáo dục thường xuyên; 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (trong số 15% học sinh vào giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, có 5% số học sinh vào các luồng khác).
Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng. Nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.
Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%.
Định hướng về phát triển Giáo dục và Đào tạo đến năm 2045
- Phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiệm cận với các nền giáo dục phát triển.
- Thiết lập một hệ thống giáo dục mở, công bằng, bình đẳng và phục vụ học tập suốt đời; quy hoạch mạng lưới mở, không hạn chế sự phát triển của các trường tư thục; tăng tự chủ đại học và tính chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong vùng.
- Hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Bảo đảm đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cho các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT; Đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng.