Hội nghị phát triển GD vùng Đông Nam Bộ diễn ra vào sáng 18/4

GD&TĐ - Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ diễn ra vào sáng 18/4/2023 tại tỉnh Bình Dương.

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đến thăm và làm việc với các cơ sở giáo dục đại học và tỉnh Bình Dương.
Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đến thăm và làm việc với các cơ sở giáo dục đại học và tỉnh Bình Dương.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Hội nghị sẽ bàn về tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng Đông Nam Bộ có 1 thành phố trực thuộc Trung ương là TPHCM và 5 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Đây là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục; hiệu quả giáo dục chuyển biến mạnh mẽ, trở thành trung tâm giáo dục của cả nước và từng bước trở thành trung tâm giáo dục của khu vực.

Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng và cả nước.

Mạng lưới các trường chuyên được hoàn thiện hơn, quy mô trường lớp và học sinh được mở rộng và phát triển, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa; xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn, bảo đảm cơ bản cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Số trường học đạt chuẩn tăng dần hằng năm tạo điều kiện thuận lợi để huy động số trẻ và học sinh trong độ tuổi đến trường.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy được đẩy mạnh theo hướng hiệu quả, thiết thực, đón đầu công cuộc chuyển đổi số và giáo dục thông minh.

Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục có chuyển biến mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông.

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh về quy mô đào tạo và đa dạng về hình thức đào tạo, trong đó số lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo tư thục tăng nhanh, cao nhất của cả nước, từng bước cung cấp nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng dần hằng năm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, đưa giáo dục và đào tạo của vùng từng bước ngang tầm với các nước trong khu vực.

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho giáo dục. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển nhanh, đều khắp các địa phương, nhất là tại TPHCM, đã góp phần giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập của các địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ