Tạo cạnh tranh lành mạnh cho nhà giáo

GD&TĐ - Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng pháp luật để quản lý đội ngũ giáo viên sẽ tạo được mặt bằng pháp lý và tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh cho nhà giáo.

Cô - trò Trường THPT Số 1 TP Lào Cai. Ảnh: TG
Cô - trò Trường THPT Số 1 TP Lào Cai. Ảnh: TG

Vì vậy, việc nghiên cứu để xác định luận cứ cho việc xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc.

Ý nghĩa sâu sắc

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, có không ít nhà giáo là người nước ngoài đã và đang tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Nhưng các quy định về chế độ cho các nhóm đối tượng này chưa cụ thể và phần nào chưa thể hiện trong một văn bản luật thống nhất. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ nhà giáo khi đối mặt với một số tình huống bất thường, nhất là đối với nhóm giáo viên ngoài công lập.

Nêu ý kiến tại Hội thảo “Tham vấn chuyên gia về đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – nhìn nhận: Chất lượng của giáo dục phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, vấn đề hành nghề cần được quy định rõ tại Luật.

“Việc hành nghề như thế nào? Ai được quyền hành nghề, giấy phép hành nghề, thời hạn hành nghề đã được quy định rất rõ trong các ngành Y, dược, báo chí, kỹ sư…nhưng đến nay ngành giáo dục chưa có quy định hành nghề đối với nhà giáo” - GS.TS Nguyễn Quý Thanh đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, khi giáo viên hành nghề theo chuẩn nghề nghiệp, lương cần được trả theo vị trí việc làm.

Việc nhà giáo chịu sức ép từ dư luận, xã hội phải có sự can thiệp và bảo vệ của Luật, điều này cũng cần định nghĩa rõ trong Luật. Vấn đề đảm bảo quyền và trách nhiệm của nhà giáo cần được quy định một cách hệ thống, tự giác và được quy định ngay từ trong quá trình đào tạo sư phạm. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng cần xây dựng Luật Nhà giáo để giải quyết những vẫn đề còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến đội ngũ giáo viên.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh – cho rằng, cần có những quy định rõ về quyền và trách nhiệm của nhà giáo. Bên cạnh đó, cần có tiêu chuẩn chung tối thiểu cho giáo viên. Theo đó, giáo viên phải đạt được những tiêu chuẩn này để được công tác trong ngành Giáo dục. Cùng với đó, phải thể hiện rõ các tiêu chuẩn cụ thể cho các giáo viên ở các cấp bậc học về trình độ, phẩm chất.

Nhấn mạnh, nhà giáo là đối tượng lao động đặc thù, GS.TS Huỳnh Văn Sơn đề cập: Bên cạnh việc có thể sử dụng các quy định chung của quy định về viên chức, cần nhìn vào đặc thù lao động sư phạm của nhà giáo để làm sao thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Chính vì vậy, trong bốn chính sách lớn được đề xuất, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh ủng hộ chính sách về chế độ tiền lương, nhất là các yếu tố đặc thù trên khung lương và các vấn đề có tính pháp lý còn yếu hoặc chưa được kiểm soát triển khai như: dạy trẻ em khuyết tật, lớp đông, dạy bằng tiếng dân tộc, dạy ngoại ngữ, hướng dẫn hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn….

Xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc. Ảnh minh hoạ: TG

Xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc. Ảnh minh hoạ: TG

Mang hạnh phúc hơn cho nhà giáo

Đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ VIGEF, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – nhận thấy, một điểm yếu cơ bản của Việt Nam là sự không đồng bộ trong hệ thống pháp luật chính sách giáo dục nói chung, pháp luật về chính sách nhà giáo nói riêng.

Ông Đặng Tự Ân đề xuất về khung chính sách và xây dựng Luật Nhà giáo, gồm: Tạo chính sách đặc thù cho đối tượng nhà giáo (công lập - tư thục); tách nhà giáo khỏi đối tượng công chức- viên chức và có chính sách phù hợp nghề nghiệp đặc thù; luật hóa các chính sách nhà giáo có tính đặc thù nghề nghiệp; tạo khung pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục; hiệu lực pháp lý mạnh để thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh và nâng cao vị thế của nhà giáo.

Về khung chính sách trong Luật Nhà giáo cần tập trung vào một số vấn đề như: Nhà giáo, vị trí vai trò, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo; tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng; Đãi ngộ, tôn vinh...; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghề nghiệp nhà giáo. “Xây dựng Luật nhà giáo là xây dựng sư đức, tạo cho nhà giáo hạnh phúc hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội và đất nước” - ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hải Thập - nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà Giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho rằng, Ban soạn thảo cần làm rõ các căn cứ trong dự thảo Luật dựa theo quy định của Luật ban hành văn bản năm 2015.

Đồng thời bám sát 4 căn cứ cơ bản, bao gồm: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chính sách của dự án luật; Yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; Cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhiều nhà giáo trên cả nước đề xuất, xây dựng Luật Nhà giáo cần làm rõ liên quan tới các vấn đề như: đảm bảo bình đẳng nhà giáo, độ tuổi nghỉ hưu phù hợp, tính tự chủ và tự giác trong nghề giáo viên, mô hình quản lý Nhà nước trong Luật nhà giáo, vấn đề định danh nhà giáo, chế độ lương, thưởng; vấn đề nhà giáo sáng tạo, vấn đề sa thải, quyền được đề xuất của nhà giáo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.